Xây dựng chung cư cao tầng chưa tính toán đến khả năng đáp ứng hạ tầng kỹ thuật
Theo Bộ Xây dựng , hệ thống pháp luật về xây dựng, quy hoạch đô thị hiện hành đã cơ bản đầy đủ để điều chỉnh toàn diện các hoạt động về quy hoạch và đầu tư xây dựng. Đây cũng là cơ sở để lập dự án, hình thành nhiều đô thị văn minh, hiện đại.
Nhà cao tầng là lựa chọn đúng đắn cho phát triển đô thị Việt Nam bởi hệ số sử dụng đất cao và khả năng mang lại cuộc sống văn minh hiện đại cho người dân. Thế nhưng nhà cao tầng mọc ở đâu, gây quá tải hạ tầng ở đó đang gây nên sự bức xúc không nhỏ cho cư dân.
Trong bối cảnh dân số gia tăng trong khi đất đai có hạn, mô hình đô thị tập trung có tính hiệu quả cao là xu hướng phát triển tất yếu cho các đô thị lớn tại Việt Nam. Trong đó công trình cao tầng đóng vai trò quan trọng nhờ tăng hệ số sử dụng đất, tích hợp được nhiều cơ sở tiện ích với khoảng cách đi lại ngắn, giảm thiểu các vấn đề của ô nhiễm môi trường, tránh tắc nghẽn giao thông…
Thế nhưng thực tiễn cho thấy, lẽ ra những địa điểm nhà cao tầng tọa lạc phải là nơi hạ tầng phục vụ dân sinh hoàn thiện nhất tại các khu đô thị mới và giúp cải thiện kết cấu hạ tầng tại vùng đô thị cũ, thì chúng lại trở thành điểm tập trung đông người, thường xuyên gây ùn tắc…
Nguy cơ nhà cao tầng mọc ở đâu, quá tải hạ tầng lan đến đó rõ ràng đến mức dư luận phải báo động: “Giao thông vỡ trận vì nhà cao tầng đúng quy hoạch”. Ví dụ kẹt xe trên các trục đường mới mở, hiện tượng đỗ xe tràn lan hàng hai, hàng ba dưới lòng đường bất chấp biển cấm tại các trục đường mới (xem hình 1) hoặc ùn tắc giao thông cục bộ tại các đầu mối vào công trình cao tầng xen cấy trong đô thị cũ như Tổ hợp Vincom Bà triệu, Sài gòn Center… diễn ra thường xuyên.
Dẫn đến tình trạng trên, một phần do các chủ đầu tư bớt xén không thi công đủ các không gian phục vụ cộng đồng như giấy phép được duyệt, thậm chí coi “tận dụng hạ tầng sẵn có” như một lợi thế, tận dụng mọi không gian để sinh lời. Nhưng nguyên nhân chủ yếu chính là công tác quản lý đô thị: Năng lực yếu và cơ sở pháp lý bất cập, kém nhanh nhạy với thực tế.
Việc tập trung xây dựng chung cư cao tầng chưa tính toán đến khả năng đáp ứng hạ tầng kỹ thuật, chậm đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật, công viên, cây xanh, các thiết chế văn hóa và dịch vụ cộng đồng...
Để giải quyết tình trạng trên, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục chủ động đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện nghiêm quy định pháp luật, kiểm soát chặt chẽ quá trình lập, điều chỉnh quy hoạch đô thị; tăng cường kiểm tra, thanh tra việc lập, quản lý quy hoạch, quản lý hoạt động xây dựng; xử lý nghiêm, kịp thời, dứt điểm các vi phạm về quy hoạch đô thị; kiểm soát sự gia tăng dân số và phát triển nhà cao tầng khu vực nội đô, giảm sự tập trung của các bệnh viện, trường đại học trong khu vực đô thị trung tâm; di dời các cơ sở công nghiệp ra ngoài khu vực trung tâm đô thị.
Đồng thời, phát triển khu đô thị tại các đầu mối giao thông công cộng lớn nhằm rút ngắn khoảng cách đi lại, khuyến khích người dân sử dụng giao thông công cộng; rà soát quy hoạch chung đô thị để bổ sung, mở rộng các tuyến đường bộ, đường sắt đô thị, xe buýt nhanh phù hợp với yêu cầu phát triển; tổ chức hệ thống giao thông công cộng đồng bộ, ưu tiên kết nối các không gian công cộng trong đô thị, khai thác giao thông đa dạng về loại hình (dưới lòng đất, trên mặt đất, trên cao và đường thủy).