Vụ 2 trẻ sơ sinh tím tái, ngừng thở giữa đêm ở Hà Nội: Cảnh báo cha mẹ khi chăm sóc con nhỏ
Mặc dù gia đình đã đưa trẻ đến viện gần nhà cấp cứu nhưng do có dấu hiệu ngừng tuần hoàn và trẻ có nhịp tim trở lại nên được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.
Thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, hơn 1 tuần qua, bệnh viện này đã tiếp nhận 02 bệnh nhi 3 tháng tuổi và 6 tháng tuổi nhập viện trong tình trạng tím tái, ngừng thở, ngừng tim trước khi đến bệnh viện rồi sau đó tử vong…
Cụ thể ngày 10/10 và 19/10, các bác sỹ khoa Cấp cứu và Chống độc của bệnh viện đã tiếp nhận hai bệnh nhi 3 tháng tuổi và 6 tháng tuổi nhập viện trong tình trạng tím tái, ngừng thở, ngừng tim trước khi đến bệnh viện (hội chứng SIDS).
Bé thứ nhất là một bé trai tiền sử khỏe mạnh hoàn toàn. Trưa ngày 10/10, sau khi ăn bé được cho nằm ngủ một mình trong phòng, khi gia đình phát hiện thì lúc này trẻ đang nằm úp mặt xuống đệm và tím tái.
Mặc dù gia đình đã đưa trẻ đến viện gần nhà cấp cứu nhưng do có dấu hiệu ngừng tuần hoàn và trẻ có nhịp tim trở lại nên được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.
Khi vào khoa Cấp cứu Chống độc, bé trai 6 tháng tuổi này đã trong tình trạng hôn mê sâu, suy hô hấp, suy tuần hoàn. Mặc dù đã được tiếp tục hồi sức và làm các xét nghiệm để chẩn đoán tìm nguyên nhân nhưng tình trạng của bé ngày càng nặng, nguy cơ tử vong, gia đình quyết định xin cho bé về.
Bé thứ 2 là bé gái 3 tháng tuổi ở Hà Nội vào viện trong tình trạng ngừng thở, ngừng tim trước khi đến Bệnh viện.
Theo lời kể của gia đình, 23 giờ đêm ngày 19/10, trẻ được cho ngủ cùng bố mẹ. Đến khoảng 1 giờ 30 phút sáng, khi mẹ tỉnh dậy phát hiện trẻ trong tình trạng tím tái toàn thân, không thở. Dù được đưa vào cấp cứu ở Bệnh viện Nhi Trung ương nhưng các bác sĩ phát hiện trẻ đã ngừng thở, ngừng tim, hạ nhiệt độ. Mặc dù được các bác sĩ nỗ lực cấp cứu, nhưng bé gái này đã không qua khỏi.
Trước đó, khoa Cấp cứu & Chống độc của Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đã từng tiếp nhận một vài trường hợp tương tự như trên.
Cha mẹ làm thế nào để dự phòng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS)
Theo các bác sĩ nhi khoa, Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS) không phải là một căn bệnh hay một bệnh lý thông thường, là chẩn đoán được đưa ra khi trẻ dưới 1 tuổi tử vong đột ngột mà không thể tìm ra nguyên nhân chính xác ngay lập tức.
Thông thường đểlàm rõ nguyên do, các bác sĩ phải truy tìm lại bệnh sử của cả trẻ lẫn bố mẹ, nghiên cứu kĩ nơi trẻ qua đời và khám nghiệm tử thi. Hội chứng này xảy ra mà không có bất kỳ dấu hiệu nào cảnh báo trước khiến bệnh đột tử ở trẻ sơ sinh trở thành nỗi ám ảnh lớn đối với nhiều gia đình.
Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh có thể xảy ra bất cứ lúc nào nhưng thường là vào thời điểm trẻ ngủ khoảng thời gian giữa 10 giờ tối và 10 giờ sáng. Khoảng từ 16-20 % các ca tử vong do bệnh đột tử ở trẻ sơ sinh xảy ra tại nơi chăm sóc trẻ, thường gặp nhất là trong tuần đầu tiên sau sinh hoặc trong khoảng từ 2 tuần tuổi đến 1 năm tuổi.
Để đề phòng hội chứng này xảy ra với con mới sinh của mình, các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ trẻ nên:
- Nên cho trẻ nằm ngửa khi ngủ vì nhiều bằng chứng xác đáng cho thấy là nằm ngửa khi ngủ làm giảm tỷ lệ bị hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS) mà không khiến trẻ bị méo đầu. Vì thế bố mẹ cần thay đổi thường xuyên tư thế của bé và cho bé nằm ngửa nhiều hơn khi thức.
- Luôn đặt trẻ nằm trên những tấm đệm cứng, không bao giờ đặt trẻ trên một cái gối, một cái nệm nước, chăn làm từ da cừu, đi văng, ghế, hoặc bề mặt mềm khác. Tránh sử dụng chăn có nhiều lông hoặc quá lớn cho trẻ, không để trẻ trong phòng quá nóng, không được để chăn, đồ chơi nhồi bông, hoặc gối gần em bé vì dễ khiến trẻ bị nghẹt thở.
- Nên tiêm chủng đầy đủ cho bé để có thể giảm 50% nguy cơ bị hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS).
- Không để bé ngủ trong môi trường quá nóng, chỉ nên giữ cho phòng ở nhiệt độ mà một người lớn mặc một chiếc áo sơ mi ngắn tay cảm thấy thoải mái.
- Không hút thuốc lá, uống rượu hoặc sử dụng ma túy trong khi mang thai và không để em bé tiếp tục tiếp xúc với khói thuốc lá vì khiến trẻ có nguy cơ tử vong vì hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh cao hơn các bà mẹ không hút thuốc lá gấp ba lần.
- Nên cho trẻ bú sữa mẹ có thể giúp làm giảm tỷ lệ bị hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS) vì nhiều nghiên cứu cho rằng sữa mẹ có thể giúp bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi bị nhiễm trùng do đó làm giảm nguy cơ bị hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS).
- Chăm trẻ bị hội chứng trào ngược dạ dày thực quản mạn tính, theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ khi ăn và khi ngủ của trẻ.
- Cho trẻ ngậm núm vú giả khi ngủ cho đến khi trẻ được 1 tuổi. Núm vú giả làm giảm nguy cơ bị hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS). Nếu đang cho con bú, hãy cố gắng chờ đợi cho đến sau khi em bé được 1 tháng tuổi để việc bú sữa mẹ được hình thành.
- Chỉ đặt bé vào cũi, nôi sau khi con đã ngủ say và đặt trong phòng ngủ của cha mẹ. Điều này góp phần làm giảm nguy cơ bị hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS).