Vinamilk được vinh danh với các giải thưởng lớn trong Hội nghị CSR & ESG Toàn cầu 2022
Trong 2 ngày 3-4/11/2022, Hội nghị CSR & ESG Toàn cầu 2022 đã được diễn ra tại Hà Nội với chủ đề “Beyond Net Zero & ESG” (Net Zero, ESG và Hơn thế nữa).
Trong khuôn khổ hội nghị, đã có những doanh nghiệp Việt đã được vinh danh từ hơn 350 bài dự thi từ nhiều quốc gia. Đáng chú ý, Vinamilk là doanh nghiệp Việt được vinh danh ở 2 hạng mục lớn: Giải thưởng “Doanh nghiệp dẫn đầu CSR và ESG” – (Thứ hạng Vàng) và “Doanh nghiệp CSR tiêu biểu của Việt Nam” (Thứ hạng Bạch Kim)
Hội nghị được tổ chức lần thứ 14 và là lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Điều này cũng có thấy sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế cho những nỗ lực và hành động tích cực của Việt Nam trong tiến trình thúc đẩy đầu tư ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị) và CSR (Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp). Thực hành ESG trong các doanh nghiệp đang tạo ra các giá trị ngày càng lớn cho xã hội và đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của nhiều bên. Đây cũng là lý do năm 2022 cũng là năm đầu tiên Ban tổ chức của Hội nghị đã nhấn mạnh về ESG ở tất cả nội dung chương trình và các giải thưởng.
Với chủ đề "Beyond Net Zero & ESG", Hội nghị CSR & ESG toàn cầu được tổ chức như một diễn đàn để cùng nêu ra các vấn đề, thách thức, từ đó thảo luận và khám phá các chiến lược ESG và CSR tiêu biểu. Hội nghị cũng tập trung vào việc phân tích những thách thức phải đối mặt ngày nay để góp phần đưa ra các giải pháp và công nghệ thân thiện với khí hậu bao gồm các kỹ thuật canh tác công nghệ cao, chuỗi cung ứng bền vững và các giải pháp thân thiện với môi trường v.v…
Hội nghị có sự tham dự của hơn 200 khách mời và hơn 25 diễn giả là các chuyên gia về ESG đến từ các cơ quan chính phủ, các tổ chức, quỹ đầu tư, các doanh nghiệp… từ nhiều quốc gia trên thế giới. Đóng góp cho chủ đề "Beyond Net Zero & ESG", Vinamilk đã mang đến tham luận về mô hình Trang trại Sinh thái Vinamilk Green Farm và lộ trình xây dựng ngành chăn nuôi bò sữa theo hướng bền vững. Xuất phát điểm là nước không có lợi thế về chăn nuôi bò sữa, đến nay, tại Việt Nam, riêng Vinamilk đã có 13 trang trại đạt chuẩn quốc tế trên cả nước, quản lý đàn bò hơn 160.000 con.
Tại 03 trang trại Vinamilk Green Farm được Vinamilk chính thức ra mắt năm 2021, doanh nghiệp này đã đưa vào ứng dụng rõ nét tư duy về kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp tái sinh, ứng dụng công nghệ để giảm thiểu tác động môi trường, tái tạo tài nguyên, giảm phát thải, bảo vệ hệ sinh thái. Đồng thời là các thực hành về phát triển bền vững như đảm bảo phúc lợi động vật, xây dựng chuỗi liên kết thúc đẩy kinh tế địa phương, 100% các trang trại của Vinamilk đều đã sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng từ Biogas để giảm phát thải, tiến tới mục tiêu trung hòa Carbon theo lộ trình được xây dựng.
“Là doanh nghiệp tiên phong trong việc xây dựng những mô hình sản xuất, chăn nuôi tiên tiến, Vinamilk luôn mạnh dạn chấp nhận những khó khăn, thách thức ban đầu; từng bước cải tiến và hoàn thiện quy trình sản xuất theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường và cân bằng phát thải. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình trang trại Vinamilk Green Farm nhằm phổ biến đại trà công nghệ sản xuất vượt trội này trong toàn hệ thống, mang lại môi trường chăn nuôi thân thiện cho cả con người và vật nuôi. Từ đó tạo ra các sản phẩm chất lượng vượt trội phục vụ người tiêu dùng và đóng góp vào sự phát triển bền vững cho cộng đồng xã hội”, ông Trịnh Quốc Dũng, Giám đốc Điều hành Vinamilk chia sẻ.
Giáo sư – Tiến sĩ Geoffrey Williams, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo giải thưởng đã nhận định mô hình trang trại sinh thái Vinamilk Green Farm có sự đột phá và đã tiếp cận một cách toàn diện các khía cạnh bền vững. “Những chương trình của Vinamilk luôn đổi mới, có sự cải tiến liên tục từ năm ngày qua năm khác, được xây dựng và quản lý một cách bài bản. Công ty cũng minh bạch trong việc công bố các thông tin về tác động của chương trình, tầm ảnh hưởng và lợi ích tới các bên liên quan…”, vị giáo sư nhận định.
Vinamilk cũng được vinh danh trong hạng mục doanh nghiệp có các hoạt động cộng đồng tiêu biểu nhất Việt Nam 2022. Đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh diễn ra, Vinamilk đã đóng góp hơn 100 tỷ đồng cho các hoạt động phòng chống dịch của Chính phủ, đóng góp vào Quỹ Vaccine, tiếp sức các lực lượng y tế tuyến đầu, hỗ trợ cộng đồng và chăm sóc, bảo vệ trẻ em trong dịch Covid-19. Chương trình Quỹ sữa Vươn cao Việt Nam của Vinamilk đã chạm mốc hành trình 15 năm chăm sóc dinh dưỡng cho hơn 500.000 trẻ em Việt Nam. Doanh nghiệp sữa này cũng đã 6 lần liên tiếp được vinh danh trong Top 10 doanh nghiệp phát triển bền vững của Việt Nam.
Những thách thức mới của nền kinh tế toàn cầu đã và đang gây ra nhiều tác động. Bối cảnh đó đã khiến “Phát triển bền vững” thực sự trở thành mục tiêu và sự quan tâm lớn của tất cả các quốc gia. Các tham luận tại hội nghị cũng cho rằng đây là những mục tiêu vô cùng thách thức, nhưng cũng là động lực để các quốc gia, doanh nghiệp tập trung xây dựng chiến lược phát triển bền vững cho chính mình. Trong đó cần có vai trò chủ động, tiên phong của các doanh nghiệp, song song là các chính sách khuyến khích – hỗ trợ từ Chính phủ, sự chung tay của cộng đồng địa phương, sự tham gia của các bên liên quan trong toàn chuỗi cung ứng, từ đó tạo ra được tác động tổng thể đến cộng đồng và tiến đến các mục tiêu về phát triển bền vững.
Vinamilk hiện là doanh nghiệp sữa duy nhất của Đông Nam Á trong Top 40 thế giới về doanh thu, là thương hiệu sữa có giá trị nhất Việt Nam và đứng thứ 6 trong bảng xếp hạng toàn cầu của tổ chức Brand Finance. Không chỉ được xem là hình mẫu của một doanh nghiệp nhà nước thành công sau cổ phần hóa mà còn đóng góp tích cực cho việc phát triển ngành sữa Việt Nam và khu vực, Vinamilk luôn gắn liền với sự bền vững của cộng đồng và đất nước.
ESG là cụm từ viết tắt gồm E-Environmental (môi trường); S-Social (xã hội) và G-Governance (quản trị doanh nghiệp), là một bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng.