Vì sao ông Nguyễn Đức Chung bị áp dụng hai Bộ luật Hình sự khác nhau về cùng một tội danh?
Kể từ ngày 01/01/2018, tất cả các điều khoản của Bộ luật Hình sự năm 2015 được áp dụng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với người thực hiện hành vi phạm tội từ 00 giờ 00 phút ngày 01/01/2018.
Trong vụ án liên quan sai phạm ở các gói thầu số hóa do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội làm chủ đầu tư, ông Nguyễn Đức Chung bị truy tố tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại khoản 1, Điều 281, Bộ luật Hình sự năm 1999.
Còn trong vụ án liên quan sai phạm trong việc mua bán, sử dụng chế phẩm xử lý nước hồ Redoxy 3C ở Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung bị truy tố tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại khoản 3, Điều 356, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Vậy, vì sao cùng một tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, ông Nguyễn Đức Chung lại bị áp dụng hai Bộ luật Hình sự khác nhau?
Theo Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp, căn cứ quy định của pháp luật thì hành vi phạm tội xảy ra vào thời điểm nào thì sẽ áp dụng văn bản pháp luật vào thời điểm đó. Cụ thể, theo khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 41/2017/QH14 quy định rõ kể từ ngày 01/01/2018, tất cả các điều khoản của Bộ luật Hình sự năm 2015 được áp dụng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với người thực hiện hành vi phạm tội từ 00 giờ 00 phút ngày 01/01/2018.
Các điều khoản của Bộ luật Hình sự năm 2015 xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng; quy định hình phạt nhẹ hơn, tình tiết giảm nhẹ mới; miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và các quy định khác có lợi cho người phạm tội thì được áp dụng đối với cả những hành vi phạm tội xảy ra trước 00 giờ 00 phút ngày 01/01/2018 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc đối với người đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xóa án tích.
Tội phạm mới quy định tại các Điều 147, 154, 167, 187, 212, 213, 214, 215, 216, 217, 217a, 218, 219, 220, 221, 222, 223, 224, 230, 234, 238, 285, 291, 293, 294, 297, 301, 302, 336, 348, 388, 391, 393 và 418 của Bộ luật Hình sự năm 2015; các điều luật bổ sung hành vi phạm tội mới, các điều luật quy định một hình phạt mới, một hình phạt nặng hơn, một tình tiết tăng nặng mới; các điều luật quy định hạn chế phạm vi miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và các quy định khác không có lợi cho người phạm tội thì không áp dụng đối với những hành vi phạm tội xảy ra trước 00 giờ 00 phút ngày 01/01/2018 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc đối với người đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xóa án tích; trong trường hợp này, vẫn áp dụng quy định tương ứng của các văn bản quy phạm pháp luật về hình sự có hiệu lực trước 00 giờ 00 phút ngày 01/01/2018 để giải quyết.
Bộ luật Hình sự năm 1999 có hiệu lực pháp luật đến hết ngày 31/12/2017, bởi vậy, trường hợp hành vi vi phạm pháp luật được xác định trong khoảng thời gian có hiệu lực của văn bản pháp luật này thì sẽ áp dụng Bộ luật Hình sự năm 1999 để giải quyết.
Với nguyên tắc như vậy nên cơ quan điều tra xác định ông Nguyễn Đức Chung có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội và đối với việc mua chế phẩm Redoxy xử lý nước hồ ở Hà Nội nhưng lại áp dụng hai điều luật khác nhau ở hai bộ luật khác nhau.
Điều 281. Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" như sau: 1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm: a) Có tổ chức; b) Phạm tội nhiều lần; c) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười năm đến mười lăm năm. 4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng. |
Theo quy định pháp luật nêu trên thì khung hình phạt mà ông Nguyễn Đức Chung đang bị truy tố là khoản 1, Điều 281 Bộ luật Hình sự năm 1999. Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, tùy thuộc vào nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mà tòa án sẽ quyết định áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.
Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" như sau: 1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: a) Có tổ chức; b) Phạm tội 02 lần trở lên; c) Gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng. 3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm. 4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. |
Theo nội dung truy tố, thì ông Chung bị đề nghị xét xử theo khoản 3, Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015 với khung hình phạt là phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.
Như vậy, mức cao nhất của hai tội danh bị đề nghị xét xử lần này theo quy định của pháp luật có tổng hình phạt tới 20 năm tù. Trong trường hợp toà án kết án mà ông Chung phạm nhiều tội ở nhiều vụ án khác nhau thì tòa án sẽ tổng hợp hình phạt theo nguyên tắc mức hình phạt tù có thời hạn sẽ không quá 30 năm.
Ngoài ra, với chính sách khoan hồng, nhân đạo thì tòa án cũng có thể xét xử nhẹ hơn mức hình phạt mà viện kiểm sát truy tố, xét xử dưới khung hình phạt. Bởi vậy, mức hình phạt cụ thể sẽ được tòa án xác định trong trường hợp có bản án kết tội và trên cơ sở tính chất, mức độ hành vi phạm tội và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được làm rõ tại phiên tòa, Luật sư Cường phân tích.
Hai vấn đề lớn trong luật hình sự là tội phạm và hình phạt. Theo đó vấn đề hình phạt chỉ đặt ra khi tòa án xác định bị cáo có tội. Khi đã xác định bị cáo có tội thì tòa án sẽ xác định chế tài bằng cách lựa chọn loại hình phạt và mức hình phạt phù hợp đối với từng bị cáo theo chính sách xét xử hình sự. Hình phạt sẽ đảm bảo kết hợp hài hòa hai yếu tố khoan hồng và nghiêm trị. Sẽ khoan hồng với những người phạm tội lần đầu, vai trò thứ yếu, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả. Sẽ nghiêm trị đối với người chủ mưu, cầm đầu, thực hành tích cực, ngoan cố chống đối, không nhận thức được hành vi, sai phạm của mình. Việc khoan hồng đối với ai phải nghiêm trị đối với ai sẽ được hội đồng xét xử cân nhắc đánh giá trong quá trình giải quyết vụ án, trên cơ sở các tài liệu, chứng cứ đã được làm rõ tại phiên toà.
Trong những căn cứ quyết định hình phạt thì việc bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả, có thành tích suất sắc trong học tập, lao động là những tình tiết giảm nhẹ đáng kể. Ông Nguyễn Đức Chung và các đồng phạm là những người có hiểu biết pháp luật, có Luật sư bào chữa nên trong trường hợp không kêu oan thì có thể sẽ vận dụng triệt để các quy định của pháp luật để được áp dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ nhất có thể để đề nghị xét xử ở dưới mức thấp nhất của khung hình phạt truy tố.