Từ 23/8, hình thức 'đi chợ hộ người dân' được thực hiện như thế nào?
Với mô hình "đi chợ hộ", tổ hậu cần, tổ Covid-19 cộng đồng, các lực lượng tình nguyện, quân đội được tăng cường tại địa phương sẽ tham gia đi chợ hộ với tần suất 1 lần/tuần và tổ chức phân phối trực tiếp đến từng hộ dân (có trả tiền).
Theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, nhằm hạn chế việc ra khỏi nhà, từ ngày 23/8, tất cả hoạt động cung ứng, phân phối hàng hóa cho người dân được thực hiện qua phương thức "đi chợ hộ".
Mô hình “Đi chợ hộ” để hỗ trợ người dân mua những mặt hàng thiết yếu phục vụ cuộc sống hằng ngày đã được nhiều phường triển khai, hỗ trợ các hộ dân thực hiện cách ly y tế tại nhà. Tuy nhiên, sau ngày 23/8, mô hình này áp dụng cho toàn TP, điều đó khiến số lượng sẽ tăng gấp nhiều lần, và sẽ khó khăn hơn cho tổ công tác đặc biệt.
Theo Zing.vn, với mô hình này, tổ hậu cần, tổ Covid-19 cộng đồng, các lực lượng tình nguyện, quân đội được tăng cường tại địa phương sẽ tham gia đi chợ hộ với tần suất 1 lần/tuần và tổ chức phân phối trực tiếp đến từng hộ dân (có trả tiền).
Trong sáng 23/8, chị N. cư dân chung cư số 4 Phan Chu Trinh (phường 12, quận Bình Thạnh) cho biết đã nhận được cách thức đăng ký phiếu "đi chợ hộ" từ ban quản lý chung cư. Chị sẽ lựa chọn danh sách các loại thực phẩm hoặc combo có sẵn. Sau đó, ban quản lý chung cư sẽ tổng hợp gửi tổ dân phố, khu phố và chuyển lên phường.
"Sau khi đặt hàng và nhận từ siêu thị, UBND phường sẽ chuyển xuống tổ dân phố, khu phố và ban quản lý sẽ giao hàng và thu tiền theo hóa đơn của siêu thị", chị nói.
Trao đổi với báo Thanh Niên, đại diện UBND phường 14, quận 5 cho biết quy trình đi chợ hộ được đơn vị triển khai như sau: Khoảng 7 giờ - 7 giờ 30 phút sáng, đại diện các siêu thị, cửa hàng bán thực phẩm sẽ gửi danh mục hàng hóa có trong ngày hôm đó đến phường.
Sau khi nhận được thông tin, phường sẽ chuyển danh mục đó xuống từng hội nhóm mạng xã hội từng khu phố để người dân nắm bắt thông tin.
Người dân có nhu cầu mua hàng sẽ viết danh sách những thứ cần mua rồi gửi lên nhóm; Đơn hàng của người dân sẽ được phường tiếp nhận và chuyển đến các cửa hàng để nhân viên siêu thị đóng gói; Sau khi hoàn tất, đội hậu cần sẽ đến tận nơi để nhận, gửi tiền cho phía siêu thị rồi giao đến tận nhà cho người dân. Người dân sẽ gửi lại tiền cho tổ hậu cần theo đúng giá được ghi trong hóa đơn.
Trao đổi với VnExpress, anh Hoàng ở tổ dân phố 48, phường Cầu Ông Lãnh (quận 1) cho biết, phường của anh mọi người thành lập một group Zalo, trong đó, c.ảnh sát khu vực sẽ liên hệ với cửa hàng rau và siêu thị mini trong phường để lên đơn cho người dân.
"Họ gửi cho chúng tôi một danh sách các loại rau quả, thực phẩm để mọi người lựa chọn. Sau khi chọn xong, chúng tôi sẽ viết ra danh mục đặt mua và gửi cho họ. Họ sẽ mua và cử người giao tới tận nhà", anh Hoàng nói và cho biết người mua được thanh toán chuyển khoản hoặc nhờ đơn vị hỗ trợ đi rút giùm tiền mặt và trả cho siêu thị.
Tương tự, tại quận Gò Vấp, Tân Phú, nhiều phường cũng chọn hình thức phối hợp với các siêu thị đưa ra các combo lương thực, thực phẩm trong 1 tuần để người dân lựa chọn đăng ký.
Sau khi chọn xong, phường sẽ cung cấp biểu mẫu từng combo, các khu phố phát giấy từng nhà để dân chọn mua hàng và thu tiền. Ban điều hành khu phố, tổ dân phố sẽ thu lại phiếu đăng ký và tiền, sau đó nộp lên UBND phường để phường tổng hợp gửi siêu thị và cung ứng hàng hóa đến nhà người dân.
UBND TP.HCM yêu cầu các hệ thông phân phối như Saigon Co.op, Satra, Big C, Lotte, Vinmart, Bách Hóa Xanh... ưu tiên các giải pháp bán hàng trực tuyến, bán hàng đăng ký trước và bán hàng theo combo, có phương án bổ sung nguồn hàng đầy đủ, kịp thời và không xảy ra tình trạng đứt gãy, gián đoạn nguồn cung hàng hóa.
Đồng thời chủ động phối hợp từng tổ hậu cần phường, xã, thị trấn nắm bắt thông tin, chủng loại giỏ hàng, chủng hàng của từng khu vực, điều phối, chuẩn bị giỏ hàng hóa kịp thời cung ứng cho người dân.