Trường hợp nghi ngộ độc Botulinum toxin: Sở Y tế TP.HCM lên tiếng
Cả 2 trường hợp nghi ngộ độc Botulinum toxin nhập viện trong tình trạng buồn nôn và nôn ra thức ăn, than đau đầu.
Theo thông tin từ Sở Y tế TP.HCM, sau kỳ nghỉ Tết, Sở Y tế nhận được báo cáo của Bệnh viện Nhi đồng 2 về 2 trường hợp bệnh nhi nghi ngờ ngộ độc Botulinum toxin (nhập viện ngày 6/2/2024 và ngày 7/2/2024).
Cả 2 nhập viện trong tình trạng buồn nôn và nôn ra thức ăn, than đau đầu. Sau khi khai thác bệnh sử, thăm khám lâm sàng, chụp CT-scan, MRI não, đo điện cơ và các xét nghiệm cần thiết khác, các bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng 2 đã hội chẩn và không loại trừ trẻ bị ngộ độc Botulinum toxin, các bác sĩ thống nhất sử dụng giải độc tố Botulinum.
Hiện tại, tình trạng hai bệnh nhi đã cải thiện, một trẻ đã cai máy thở và theo dõi tại Khoa Tiêu hóa, một trẻ tiếp tục được chăm sóc và theo dõi tại Khoa Hồi sức và có dấu hiệu lâm sàng cải thiện tốt.
Bệnh viện Nhi đồng 2 đã lấy mẫu phân của bệnh nhân và gửi đến Viện Y tế công cộng TP. Hồ Chí Minh để xét nghiệm và chẩn đoán xác định.
Sở Y tế ghi nhận những nỗ lực chẩn đoán và can thiệp điều trị kịp thời cho 2 bệnh nhi nghi ngộ độc Botulinum toxin. Cho đến thời điểm hiện tại, Sở Y tế chưa ghi nhận thêm trường hợp nào được báo cáo có triệu chứng tương tự.
Ngộ độc botulinum là một bệnh lý nặng, với các triệu chứng có thể bao gồm: sụp mí mắt và các dấu hiệu bất thường liên quan đến cơ mặt, mắt và cổ họng. Vi khuẩn tạo ra chất độc (độc tố) tấn công hệ thần kinh gây yếu và tê liệt các cơ. Nếu không được điều trị, ngộ độc botulinum dễ gây tử vong.
Các loại ngộ độc botulinum phổ biến nhất gồm:
Ngộ độc thực phẩm: xảy ra khi người bệnh ăn thực phẩm bị nhiễm bào tử Clostridium botulinum. Khi thực phẩm lưu trữ không đúng cách, vi khuẩn có thể phát triển. Khi vi khuẩn phát triển sẽ giải phóng độc tố vào thức ăn.
Ngộ độc thực phẩm thường xảy ra khi thực phẩm đóng hộp tự làm tại nhà do bảo quản, cất giữ không đúng cách hoặc các cơ sở kinh doanh không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Các nguồn ngộ độc thực phẩm khác bao gồm:
Dầu ngâm với các loại thảo mộc.
Khoai tây nướng trong giấy bạc.
Nước sốt phô mai đóng hộp.
Tỏi đóng chai.
Cà chua đóng hộp.
Nước ép cà rốt.
Thực phẩm được giữ ấm hoặc không được trữ trong tủ lạnh.
Ngộ độc ở trẻ sơ sinh: xảy ra khi trẻ ăn phải bào tử Clostridium botulinum. Các bào tử này phát triển thành vi khuẩn, cư trú ở ruột của trẻ và giải phóng độc tố gây bệnh. Mật ong bị nhiễm bào tử cũng là nguyên nhân gây bệnh trong một số trường hợp. Đây là lý do tại sao bác sĩ khuyên không nên cho trẻ ăn mật ong trước khi được ít nhất 1 tuổi.
Nhiễm độc vết thương: hiếm gặp, khi bào tử Clostridium botulinum xâm nhập vào vết thương hở, chúng phát triển và giải phóng chất độc vào máu. Nhiễm độc vết thương có thể gặp ở những người tiêm chích ma túy. Một vài trường hợp, độc tố phát triển sau phẫu thuật hoặc chấn thương nghiêm trọng.
Ngộ độc do điều trị: xảy ra khi người bệnh tiêm quá liều độc tố botulinum để điều trị xóa nếp nhăn, đau nửa đầu. Việc làm đẹp – tiêm botox xóa nếp nhăn dẫn đến ngộ độc Botulinum rất hiếm. Và tốt nhất, chị em chỉ nên tiêm botox khi có chỉ định của các các bác sĩ chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ, tại các bệnh viện/cơ sở có uy tín được cấp phép.