Trẻ bám mẹ và không bám mẹ có 3 khoảng cách khác biệt rõ ràng sau khi lớn
Đứa trẻ gần gũi với mẹ sẽ có nhiều lợi thế hơn trong quá trình khôn lớn so với những đứa trẻ khác.
Nhiều bà mẹ đã than thở rằng, từ khi sinh ra đứa trẻ của mình luôn bám lấy mẹ, chỉ cần xa một chút là nhiều trẻ sẽ ngay lập tức khóc lóc, mè nheo đòi mẹ.
Và sự thật là hầu như đứa trẻ nào cũng thích bám lấy mẹ, tuy có hơi khiến một số bà mẹ khó chịu, nhưng đó thực chất là một tín hiệu tốt. Chứng tỏ trẻ có cảm giác an toàn và tin tưởng khi được ở gần mẹ, mối quan hệ giữa mẹ và con đang hình thành một sợi dây gắn kết mạnh mẽ.
Nhưng ngược lại, nếu trẻ không thích không gắn bó, gần gũi với mẹ thì đó sẽ là một mối nguy lớn. Bởi điều này không có lợi cho sự phát triển toàn diện của trẻ, đặc biệt là việc phát triển tâm lý và nhân cách lành mạnh trong tương lai.
Theo nhiều chuyên gia tâm lý, con cái dựa vào mẹ là bản năng. Vậy nên đứa trẻ bám mẹ, gần gũi với mẹ sẽ có nhiều lợi thế hơn trong quá trình khôn lớn.
Trẻ có tính cách tự tin và vui vẻ
Trẻ thích bám lấy, gần gũi nhưng nếu người mẹ lại tìm cách tách con ra xa, trẻ sẽ dễ hình thành cảm nhận rằng mẹ không yêu mình, không quan tâm đến mình. Từ đó, tâm lý trẻ dần bất an, mất cảm giác an toàn, không được che chở và bảo vệ.
Khi trẻ không cảm nhận được tình yêu thương từ người mẹ, trẻ thường có xu hướng trở nên cảnh giác hơn với mọi thứ xung quanh, khép kín bản thân và ngày càng tự ti hơn. Bởi lúc này, trẻ sẽ cảm thấy như mình đang bị bỏ rơi, dẫn đến lòng tự trọng thấp, thậm chí là có những suy nghĩ lệch lạc về bản thân, cho rằng mình không đủ tốt nên mẹ mới không dành sự quan tâm, chú ý đến mình.
Đó là lý do mà khi trở thành một người mẹ, chúng ta cần hiểu rằng, bố mẹ là người gần gũi nhất với con cái, có sự liên kết mạnh mẽ với trẻ ngay từ khi con sinh ra.
Vậy nên nếu đứa trẻ lúc nhỏ đặc biệt gắn bó, và mẹ cũng có phản ứng tích cực với con thì rất có thể trẻ sẽ trở thành một người tự tin, lạc quan vui vẻ và sở hữu nguồn năng lượng tích cực trong quá trình khôn lớn.
Khả năng giỏi giang, thành công cao hơn khi lớn lên
Nhiều trường hợp, trẻ đạt kết quả học tập không tốt, có người cho rằng là do chỉ số thông minh bẩm sinh của trẻ thấp, hoặc do con lười nhát, không tập trung, không biết cố gắng. Tuy nhiên điều này thực chất lại ảnh hưởng phần lớn bởi sự giáo dục của mẹ, liên quan nhiều đến việc mẹ đã không dành nhiều thời gian để có thể đồng hành cùng con cái trên con đường học vấn từ khi còn nhỏ.
Vì lớn lên không có sự quan tâm của mẹ, trẻ sẽ phải dựa vào chính mình trong mọi việc, bao gồm cả việc học. Khi mẹ không ở bên cạnh để hướng dẫn, chỉ dạy thì quá trình học vấn của trẻ cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn, rào cản. Bởi vì không có môi trường tốt nên trí thông minh, sự sáng tạo và trí tưởng tượng của trẻ cũng bị giới hạn.
Ngược lại, khi trẻ có sự gần gũi với mẹ từ khi còn nhỏ, sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ, đặc biệt là vấn đề phát triển trí não. Bởi vì nếu được mẹ dành sự quan tâm, mẹ sẽ sẵn sàng đưa trẻ đi tìm tòi, khám phá mọi thứ xung quanh nhiều hơn. Điều này sẽ rất tốt cho sự phát triển trí tưởng tượng và khả năng tư duy, sáng tạo của trẻ.
Bên cạnh đó, khi gặp khó khăn, sự động viên của người mẹ sẽ giúp trẻ mạnh mẽ, dũng cảm hơn, trẻ sẽ biết tự lập và có khả năng giải quyết vấn đề tốt hơn. Vì vậy, những đứa trẻ thích gắn bó với mẹ và lớn lên bên mẹ sẽ có tiềm năng đạt được nhiều thành tựu trong tương lai.
Có kỹ năng giao tiếp mạnh mẽ
Một số bà mẹ chia sẻ trên diễn đàn nuôi dạy con rằng, từ nhỏ đứa trẻ của mình đã bám mẹ, thường đòi đi cùng mẹ mỗi khi ra ngoài, chẳng hạn như đi chợ, mua sắm, dự tiệc,... Ban đầu bà mẹ có chút bất tiện, nhưng cũng cố gắng sắp xếp sao cho phù hợp để dắt con theo.
Dần dần họ phát hiện đứa trẻ của mình càng lớn càng dạn dĩ, tự tin, có kỹ năng giao tiếp xã hội mạnh mẽ. Dù đứng trước đám đông hay người lạ, đứa trẻ vẫn không cảm thấy lo sợ, rụt rè mà tỏ ra vô cùng thân thiện. Con thoải mái thể hiện quan điểm bản thân, và kết bạn rất dễ dàng.
Điều này đã khiến những bà mẹ nhận ra rằng, việc con bám mẹ cũng có thể đem lại lợi ích và tạo điều kiện để con phát triển, nâng cao các kỹ năng cần thiết. Bởi trong tình huống mẹ thường xuyên đưa con ra ngoài, đưa con đi gặp nhiều người hơn, trẻ sẽ học được cách mẹ ứng xử với những người xung quanh hoặc cách mẹ giải quyết vấn đề.
Nhờ vậy mà con cũng có thể trau dồi kỹ năng kết bạn, giao tiếp tốt với người khác. Đây sẽ là một điểm cộng lớn, lợi thế lớn đối với trẻ trong tương lai. Đặc biệt là những đứa trẻ có mong muốn được trở thành những người lãnh đạo giỏi.