Trải nghiệm sinh mổ lần 2 và bóc u xơ của sản phụ tăng huyết áp ở Phụ sản Trung ương, hết hơn 16 triệu đồng
Do đã có tiền sử đẻ mổ lần 1 và phát hiện tăng huyết áp dù may mắn chưa bị tiền sản giật nên mẹ bầu này quyết định chọn sinh ở viện sản tuyến đầu cho yên tâm.
Tiền sử tăng huyết áp ngay khi mang thai lần 1
Chị Ninh Vương ở Thanh Trì, Hoàng Mai, Hà Nội mới sinh con thứ 2 được 3 tháng. Do có tiền sử đẻ mổ 1 lần và phát hiện tăng huyết áp dù may mắn chưa bị tiền sản giật (khi lên bàn đẻ huyết áp lên đến 200) nên chị quyết định chọn viện Phụ sản Trung ương - nơi có chuyên môn bác sĩ cao nhất để yên tâm khi vượt cạn.
Mẹ bỉm 2 con chia sẻ, mang bầu lần 2, chị phát hiện bị tăng huyết áp ngay từ khi biết có thai ở tuần thứ 3-4. Sau đó, ở tuần thứ 5 chị bắt đầu theo dõi thai sản và thăm khám tại viện Phụ sản Trung ương, được chỉ định đi khám tim mạch.
“Lúc đầu, mình khám ở bệnh viện Tim Hà Nội, sau 2 tuần uống thuốc hạ áp đã có tăng liều nhưng không ăn thua, huyết áp luôn ở mức 170-190. Do khá mệt khi phải đi khám 2 nơi là viện Tim Hà Nội và Phụ sản trung ương (tuần nào cũng phải đi khám 2 nơi) nên mình có thăm khám tại 1 vài bệnh viện có cả khoa tim mạch để không phải đi lại nhiều. Thế nhưng mình đều được khuyên về Phụ sản Trung ương vì bị tăng huyết áp ở tuần thai sớm quá, sợ sẽ sinh non mới đủ điều kiện để nuôi lồng kính”, mẹ bỉm chia sẻ.
Đến 9 tuần, mẹ bầu khám tại nhà A, phòng 106, khoa bệnh lý của một bác sĩ sản chuyên khoa. Bác sĩ đã cho chị Vương sang Bạch Mai để khám tim mạch. Sau khi làm các xét nghiệm chị được kết luận là “tăng huyết áp vô căn thai kỳ”, cứ 2 tuần khám 1 lần tại cả 2 viện.
Sau 12 tuần huyết áp của mẹ bầu được kiểm soát, dao động 120-150 nhưng vẫn tiếp tục khám tại khoa tim mạch - Bệnh viện Bạch Mai.
Đến 30 tuần bác sĩ tim mạch bảo chỉ cần uống thuốc và khám sản, nếu huyết áp tăng cao trên 160 thì vào viện sản luôn. Vì thế, tuần 29 chị Ninh Vương được làm hồ sơ sinh và em bé bắt đầu chậm tăng cân dù trước đó luôn vượt mốc tiêu chuẩn. Mẹ bầu cũng được khám 1 tuần/lần và em bé luôn nhỏ hơn 2-3 tuần so với tuổi thai.
Mẹ bầu đẻ mổ cấp cứu, chọn bác sĩ nhưng không đăng ký được phòng dịch vụ
Đúng 37 tuần, chị Ninh Vương định lên phòng khám của bác sĩ sản đang theo để nhờ khám và mổ vì dự kiến mổ lúc 38 tuần. Nhưng sáng đó mẹ bầu cảm thấy hơi mệt do mất ngủ mấy đêm trước. Chị đo huyết áp lên 170, sau khi uống thuốc, ăn sáng và nghỉ ngơi vẫn không thấy huyết áp giảm nên chị Vương đã đến thẳng phòng cấp cứu bệnh viện.
Sau khi kiểm tra các chỉ số của em bé bình thường nhưng mẹ bầu phải nằm đợi theo dõi đến đầu giờ chiều mà huyết áp không giảm và được cho mổ cấp cứu. Lúc này, chị gọi cho bác sĩ nhờ mổ và 30 phút sau bác sĩ đã có mặt.
“Mình đăng ký dịch vụ đẻ chọn bác sĩ và chọn giường dịch vụ nên gia đình đóng 5 triệu chọn bác sĩ và 10 triệu đặt cọc”, chị Vương kể lại.
Do mẹ bầu đang dùng thuốc chống tiền sản giật, có tác dụng không đông máu nên được chỉ định mổ gây mê. Lúc này chị Vương cũng báo với bác sĩ có khối u xơ muốn bóc luôn. Bác sĩ nói sẽ xem xét tình hình vì bảo mới uống thuốc nên sợ máu không đông, bóc u xơ sẽ lâu nên sợ không cầm được máu sẽ nguy hiểm nhưng bác sĩ sẽ cố gắng.
“Mình mổ lúc 15h, may mắn mọi thứ thuận lợi, em bé 2,5kg, mình cũng được bóc u xơ luôn. Tầm 18h mình bắt đầu tỉnh ở phòng hậu phẫu và sau đó được chuyển về khoa hồi sức cấp cứu tầng 3, em bé được chuyển lên khoa sơ sinh tầng 6 chăm sóc.
Tầm 19h mình tỉnh hoàn toàn nhưng sau đó bị khó thở và được dùng khí ôxy. Sau 2 ngày mọi thứ ổn và ngày thứ 3 mình được về phòng chuyển về phòng thường. Khi nằm ở khoa hồi sức cấp cứu, người nhà được ở lại 24/24, em bé vẫn ở trên khoa sơ sinh, khoẻ mạnh và không phải thở máy”, mẹ bầu kể chi tiết.
Vì trước đó chồng chị Vương có đăng ký phòng dịch vụ nhưng không có (đến ngày thứ 3 nằm viện vẫn không có) nên chị Vương được chuyển về phòng thường có 14 giường, cả người nhà và bệnh nhân lên đến hơn 30 người.
“Hầu như nhà nào cũng có 2 người chăm nên người nhà phải xuống sân, đêm cũng không được ở lại, 21h người nhà phải về dù sản phụ sau mổ đẻ còn rất đau. Tận trưa ngày thứ 4 bệnh viện mới báo có phòng nhưng do sắp ra viện nên mình cố nằm phòng thường thêm đêm nữa”, chị Vương kể.
Ngày thứ 5, chị Vương được ra viện nhưng con chị phải ở lại thêm 1 ngày nữa để chiếu đèn do vàng da sinh lý.
“Khi xuất viện về nhà, em bé được hẹn kiểm tra sức khỏe sau sinh 1 tuần còn mẹ bỉm được các bác sĩ ở viện gọi hỏi thăm sức khỏe, theo dõi huyết áp sau sinh 2 tuần, 6 tuần và 3 tháng”, chị Vương kể.
Tổng chi phí sinh mổ lần 2 và bóc u xơ của sản phụ tăng huyết áp
+ Chi phí chọn bác sĩ: 5 triệu đồng.
+ Tổng viện phí của mẹ (trừ 80% cấp cứu): 6,7 triệu đồng.
+ Tổng viện phí của con hơn 4 triệu gồm: 6 ngày trên khoa sơ sinh, xét nghiệm sàng lọc bệnh tim, xét nghiệm máu gót chân (gói cao nhất hơn 2 triệu).
Tổng chi phí 2 mẹ con trong chuyến đi đẻ: hơn 16 triệu đồng.
Những nhận xét của sản phụ sau trải nghiệm đi đẻ
+ Về chuyên môn bác sĩ không có gì phải bàn cãi vì bác sĩ ở bệnh viện trình độ chuyên môn quá tốt và yên tâm.
+ Trong 5 ngày ở đây, sản phụ luôn được bác sĩ chọn đẻ mổ cũng như các bác sĩ khoa hồi sức cấp cứu và khoa bệnh lý luôn hỏi thăm, quan tâm.
+ Về dịch vụ: Sau khi trải nghiệm chiếu tia plasma và masages vú chị Vương đánh giá rất tuyệt vời.
“Vì không nằm phòng dịch vụ và bé không về với mẹ mà ở trên khoa sơ sinh nên mình sau sinh đã tích cực chiếu tia plasma cho mẹ (400 ngàn đồng/lần x 8 lần) và massages vú (200 ngàn đồng/lần x 7 lần) nên vết mổ của mình lành nhanh và sữa về từ ngày thứ 3”, mẹ bỉm nhớ lại.
+ Về phòng ốc: Do phải nằm phòng thường nên sản phụ này thấy siêu đông, siêu ồn, siêu nóng, gia đình phải mang cả quạt mini ở nhà đi. Mỗi buổi sáng dậy, cả người nhà và bệnh nhận đi đánh răng, vệ sinh phải xếp hàng như thời bao cấp.
“Nếu có bệnh lý các mẹ bầu nên chọn viện tuyến đầu để đi đẻ an tâm về chuyên môn. Nếu thai kỳ bình thường, sản phụ nên chọn các viện tư hoặc viện công thường sẽ đỡ đông và dịch vụ tốt hơn”, mẹ bỉm nhận định.