Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ ba, 22/06/2021 14:38 (GMT+7)

TPBVSK Đào Thi đang được quảng cáo như 'thần dược', lừa dối người tiêu dùng như thế nào? (Kỳ 1)

Theo dõi GĐ&PL trên

Liên quan tới sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) được “vẽ” như “thần dược” mới đây, các cơ quan chức năng đã nỗ lực ra quân kiểm tra, xử phạt rất nghiêm, thậm chí thu hồi rút giấy phép rất nhiều các sản phẩm. 

Tuy nhiên thực tế vấn nạn này vẫn ngày một diễn ra nhiều hơn với các chiêu trò tinh vi hơn. TPBVSK Đào Thi là một trong số các sản phẩm như thế...

Theo thông tin trên giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 4858/2018/ĐKSP, Cục ATTP Bộ Y tế đồng ý xác nhận bản công bố ngày 19/7/2018 cho Công ty TNHH Dược phẩm quốc tế Medicom có địa chỉ tại số 51 phố Nguyễn Khả Trạc, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội, Việt Nam đối với sản phẩm TPBVSK Đào Thi.

tpbvsk-dao-thi-1624346649.png

Cũng theo thông tin tại bản công bố sản phẩm này, TPBVSK Đào Thi được xác nhận sản xuất bởi Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương Viheco có địa chỉ tại thôn Thượng Phúc, xã Bắc Hồng, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội. Theo đó, sản phẩm TPBVSK Đào Thi chỉ có công dụng hỗ trợ tăng cường nội tiết tố nữ, cải thiện tình trạng suy giảm nội tiết tố nữ, giúp săn chắc vòng ngực nữ giới. 

tpbvsk-dao-thi2-1624346679.png

Tuy nhiên thực tế tại rất nhiều trang website, mạng xã hội, facebook,...  TPBVSK Đào Thi lại đang được thổi phồng “vẽ” có công dụng như một “thần dược” “hiệu quả đối với mọi chị em”, “cam kết tăng size vòng 1 (6-8cm) sau 1 liệu trình” như tại website www.caithienvong1.store/đào_thi/chín... Điều này khiến cho người tiêu dùng rất khó có thể nhận biết công dụng thực tế của sản phẩm, hiểu lầm sản phẩm có công dụng “thần kỳ” như người bán đang tự “vẽ”...

tpbvsk-dao-thi-32-1624346678.png

Hay như hàng loạt các trang website khác như https://sieuthisongkhoe.com/san-pham/bo-san-pham-dao-thi/; https://www.sacdepphunutoday.com/; https://nilp.vn/dao-thi/; https://nhathuocvinhloi.vn/dao-thi/;... 

Thậm chí để gây sự chú ý với người tiêu dùng, những trang website này còn sử dụng hình ảnh các nhân vật có sức ảnh hưởng trong xã hội được cho là MC N.T.V.; tiến sĩ, bác sĩ V.T.K.V. – nguyên Trưởng khoa Viện Y học cổ truyền Quân đội; Á hậu H.M.,... hay hình ảnh diễn viên T.H. trên nền biểu tượng gắn logo VTV2, VTV9, THVL, để “làm mầu” cho những công dụng “tự vẽ” của sản phẩm, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng.

tpbvsk-dao-thi-4-1624346678.png
Rất nhiều các logo kênh truyền hình được cắt ghép để quảng cáo sản phẩm Đào Thi...

Được biết, trước đó cũng liên quan tới những sai phạm trong vấn đề quảng cáo (sử dụng hình ảnh các bác sĩ, nhân viên y tế quảng cáo thổi phồng công dụng sản phẩm), Công ty TNHH Dược phẩm quốc tế Medicom đã bị Cục ATTP xử phạt 100 triệu đồng và phải tháo gỡ toàn bộ nội dung vi phạm, cải chính thông tin đối với 2 sản phẩm TPBVSK là Đào Thi và Kvoilmen (hỗ trợ sinh lý nam).

Vậy, nếu các trang web được nhắc tới ở trên là của nhãn hàng này thì phải chăng các chế tài xử phạt ấy còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe... nên họ  “bất chấp làm càn” chỉ để bán sản phẩm? 

Thông tin tại bản tiếp nhận đăng ký công bố sản phẩm thì Công ty TNHH Dược phẩm quốc tế Medicom có địa chỉ tại số 51 phố Nguyễn Khả Trạc, Mai Dịch, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội. Nhưng địa chỉ trên bao bì sản phẩm cũng như tìm hiểu của PV thì Công ty TNHH Dược phẩm quốc tế Medicom MST 0107832988 lại có địa chỉ được cấp phép đăng ký kinh doanh tại địa chỉ Tầng 4 Toà nhà Vimeco Lô E9 đường Phạm Hùng, Phường Trung Hoà, Quận Cầu Giấy, Hà Nội do ông Nguyễn Văn Dương là người đại diện pháp luật. 

tpbvsk-dao-thi-5-1624346679.png
Đây là địa chỉ hiện tại Medicom đang hoạt động, song thực tế lại “cửa đóng then cài” nhiều tháng qua?

Và thực tế ghi nhận của PV tại trụ sở này từ một số cá nhân xung quanh đây, được biết Công ty này đã “cửa đóng then cài” nhiều tháng qua. Vậy câu hỏi đặt ra, việc báo cáo nộp thuế của Công ty này với cơ quan chức năng về việc sản xuất kinh doanh TPBVSK là như thế nào? Còn người tiêu dùng khi mua sản phẩm Đào Thi được quảng cáo là “tăng kích thước vòng 1” nếu gặp sự cố biết tìm Công ty này ở đâu để khiếu nại khắc phục hậu quả? Cũng như cơ quan quản lý khi tiến hành thanh kiểm tra biết tìm ai?

Chưa hết, cũng theo tìm hiểu của PV, tại bản đăng ký công bố sản phẩm mà Medicom nộp Cục ATTP Bộ Y tế, đơn vị sản xuất sản phẩm TPBVSK Đào Thi là Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương Viheco có địa chỉ tại thôn Thượng Phúc, xã Bắc Hồng, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội, nhưng trên bao bì sản phẩm LSX: 030620, NSX: 250620, HSD: 250623 lại ghi sản xuất tại: Công ty cổ phần nghiên cứu và phát triển Dược phẩm Genphar có địa chỉ tại Khu công nghiệp Quang Minh mở rộng, thị trấn Chi Đông, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội, Việt Nam.

Nói về Công ty cổ phần nghiên cứu và phát triển Dược phẩm Genphar, trước đó ngày 31/5/2021 Cục ATTP Bộ Y tế đã ra Quyết định số 165/QĐ-ATTP thu hồi hiệu lực Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt (GMP) TPBVSK số 120/2019/ATTP-CNGMP của công ty này.

Vậy Công ty Genphar bị thu Giấy chứng nhận chuẩn GMP thì các lô sản phẩm được sản xuất tại cơ sở này, trong đó có TPBVSK Đào Thi có đảm bảo được các tiêu chuẩn về ATTP được lưu hành trên thị trường hay không?

Thực tế, ghi nhận của PV ngày 19/6/2021 tại địa chỉ số 51 Nguyễn Khả Trạc, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội là Công ty khác đang treo biển hoạt động. 

tpbvsk-dao-thi-6-1624346679.png
Địa chỉ trụ sở Công ty TNHH Dược phẩm quốc tế Medicom được ghi trên Giấy công bố sản phẩm nhưng hiện tại là một công ty khác đang treo biển hoạt động.

Câu hỏi đặt ra là một sản phẩm liên quan tới sức khỏe con người được Cục ATTP Bộ Y tế cấp phép lưu hành, Công ty đăng ký một nơi, lại hoạt động một nơi; công bố sản xuất tại một công ty, thực tế lại được sản xuất tại công ty khác?. Điều này liệu đã được cơ quan chức năng chấp thuận hay chưa? Đáng nói, một trong những công ty đó (Genphar) lại vừa bị thu hồi giấy phép sản xuất mà các “thần y online” vẫn quảng cáo “thổi phồng” sự thật thì sức khỏe người tiêu dùng sẽ đi về đâu? 

Kính đề nghị các cơ quan chức năng khẩn trương kiểm tra làm rõ và xử lý nghiêm các sai phạm, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin...

Cùng chuyên mục

Những thông tin cơ bản để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa
Dữ liệu truy xuất nguồn gốc của từng sản phẩm, hàng hóa trong hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa bao gồm tối thiểu các thông tin như:  Tên sản phẩm, hàng hóa; Hình ảnh sản phẩm, hàng hóa; Tên đơn vị sản xuất, kinh doanh; Địa chỉ đơn vị sản xuất, kinh doanh...
Thu hồi lô thuốc Clanzacr 200mg không đạt tiêu chuẩn chất lượng: Cảnh báo về sự an toàn của sản phẩm y tế
Trong một thông báo mới nhất từ Cục Quản lý Dược thuộc Bộ Y tế, việc thu hồi lô thuốc Clanzacr 200mg không đạt tiêu chuẩn chất lượng đã được thông báo. Mẫu thuốc này được sản xuất tại Hàn Quốc và nhập khẩu bởi Công ty CP Tập đoàn Dược phẩm và Thương mại Sohaco. Việc thu hồi lô thuốc này đang gây lo ngại về an toàn sức khỏe của người dùng.
Giám sát tiêu hủy 1,8 tấn bột giặt giả mạo nhãn hiệu Tide
Lực lượng QLTT TP. Cần Thơ vừa tiến hành giảm sát việc việc buộc tiêu hủy 1,8 tấn bột giặt giả nhãn hiệu Tide trị giá 43 triệu đồng và 303 đơn vị sản phẩm là thực phẩm, quần áo nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đạt chất lượng có tổng trị giá gần 18 triệu đồng.
Mạo danh nhân viên điện lực để lừa đảo khách hàng
Tổng công ty Điện lực miền Bắc đề nghị khách hàng nêu cao tinh thần cảnh giác, không cung cấp thông tin cá nhân, khuyến nghị khách hàng khi nhận được các cuộc gọi số lạ, không hiển thị số điện thoại,… yêu cầu khách hàng nộp tiền điện hoặc các khoản phí liên quan đến dịch vụ điện hoặc thông tin bị cắt điện không rõ nguyên nhân, đề nghị khách hàng liên hệ ngay đến Tổng đài Chăm sóc khách hàng Tổng công ty Điện lực miền Bắc 19006769 (trực 24/7) để được hỗ trợ.

Tin mới