Tiêm vaccine phòng nguy cơ mắc bệnh từ nước, rác thải
Những người làm công việc dọn dẹp rác thải nên chủ động phòng bệnh bằng biện pháp tiêm chủng.
Theo BS Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết người thường xuyên tiếp xúc nước thải có nguy cơ bệnh tật lớn. Bộ Y tế năm 2015 thống kê gần một phần hai trong số 26 bệnh truyền nhiễm có nguyên nhân liên quan tới nguồn nước ô nhiễm, ví dụ bệnh tiêu chảy cấp, tả, thương hàn, đau mắt đỏ; các bệnh về đường tiêu hóa, viêm gan A, viêm não, ung thư... Một kết quả đánh giá vào năm 2015 cũng cho thấy nước ô nhiễm cùng với điều kiện vệ sinh kém khiến hàng nghìn ca tử vong mỗi năm diễn ra.
Trong đó, thương hàn và viêm gan A có thể lây truyền từ người sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp, hay tiếp xúc với chất thải, đồ dùng bị nhiễm khuẩn từ người bệnh. Người sống và làm việc ở môi trường nguồn nước bị ô nhiễm, chất thải không được xử lý có nguy cơ nhiễm hai bệnh này cao nhất.
Vi trùng uốn ván có thể xâm nhập qua mọi loại vết thương như vết trầy xước, vết thương phẫu thuật, vết bỏng, đạp đinh, gai đâm, giẫm kim tiêm... Uốn ván là bệnh nặng, có thể gây tử vong do suy hô hấp, rối loạn thần kinh thực vật và ngừng tim. Chi phí điều trị tốn kém và mất thời gian, tùy theo mức độ bệnh có thể từ 2 tuần đến 3, 4 tháng điều trị.
Virus gây bệnh HIV có thể sống đến một tuần ở trong kim tiêm có máu. HIV gây suy giảm hệ miễn dịch, khiến cơ thể dễ mắc phải các bệnh nhiễm trùng cơ hội và nhiều bệnh khác. Tả có thể gây mất nước và điện giải dẫn đến sốc nặng nếu không can thiệp kịp thời... Bệnh tả lây qua đường nước bị nhiễm bẩn, bàn tay bẩn và ruồi, nhặng nhiễm phẩy khuẩn tả.
Do đó, những người làm công việc dọn dẹp rác thải nên chủ động phòng bệnh bằng biện pháp tiêm chủng. Ngoài ra nên chú ý thường xuyên khử trùng tay, vệ sinh cá nhân hàng ngày sạch sẽ. Mọi người nên rửa sạch kẽ ngón tay, chân sau khi tiếp xúc với nước nhiễm bẩn, rác thải. Đồng thời lựa chọn, chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn chín, uống sôi.