Thủ tục cấp hộ chiếu phổ thông ở trong nước có gì thay đổi so với trước đây
Theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (Luật số 23) thì các quy định về thủ tục cấp hộ chiếu phổ thông ở trong nước có gì thay đổi so với trước đây hay không?
Liên quan đến vấn đề này, theo Bộ Công an, đối với thủ tục đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông ở trong nước, Luật số 23 quy định về phương án cải tiến, đơn giản hóa thủ tục hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ trong giải quyết thủ tục hành chính, như:
- Quy định việc nộp hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông, thực hiện trình báo mất hộ chiếu phổ thông;
- Đề nghị khôi phục giá trị sử dụng của hộ chiếu phổ thông trên môi trường điện tử (khi có nhu cầu làm thủ tục trên công dân có thể nộp hồ sơ trực tuyến tại nhà mà không cần tới cơ quan quản lý xuất nhập cảnh);
- Bãi bỏ quy định nộp bản chụp Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân đối với trường hợp có sự thay đổi thông tin về nhân thân so với thông tin trong hộ chiếu đã cấp lần gần nhất;
- Bãi bỏ quy định nộp bản sao Giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh đối với người chưa đủ 14 tuổi mà đã có số định danh cá nhân.
Cụ thể, Luật số 23 đã sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 15 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Theo đó, giấy tờ liên quan đến việc cấp hộ chiếu phổ thông ở trong nước bao gồm:
- Hộ chiếu phổ thông cấp lần gần nhất còn giá trị sử dụng đối với người đã được cấp hộ chiếu; trường hợp hộ chiếu còn giá trị sử dụng bị mất phải kèm đơn báo mất hoặc thông báo về việc đã tiếp nhận đơn của cơ quan có thẩm quyền quy định tại điểm a khoản 2 Điều 28 của Luật này;
- Bản sao Giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh đối với người chưa đủ 14 tuổi chưa được cấp mã số định danh cá nhân; trường hợp không có bản sao Giấy khai sinh, trích lục khai sinh thì nộp bản chụp và xuất trình bản chính để kiểm tra, đối chiếu;
- Bản sao giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp chứng minh người đại diện hợp pháp đối với người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự, người chưa đủ 14 tuổi; trường hợp không có bản sao thì nộp bản chụp và xuất trình bản chính để kiểm tra, đối chiếu.