Thảm họa động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria: Số người chết lên hơn 28.000 người
Theo số liệu cập nhật từ cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, số người thiệt mạng trong thảm họa động đất kinh hoàng hôm 6/2 tại hai nước hiện đã vượt qua con số 28.000 người, trong đó có hơn 3.500 người tại Syria.
Cơ quan Quản lý thảm họa và tình trạng khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD) và Phó Tổng thống nước này Fuat Oktay vừa cho biết, số người chết trong trận động đất ở nước này hiện là 24.614 người. Trận động đất đã ảnh hưởng tới 13 triệu người tại 10 tỉnh của Thổ Nhĩ Kỳ.
Hiện hơn 166.000 nhân viên cứu hộ đang có mặt ở hiện trường. 92.700 người đã được Thổ Nhĩ Kỳ sơ tán khỏi các khu vực bị động đất tàn phá.
Tại Syria, tổng số người chết được xác nhận là 3.575 người, trong đó 2.167 người ở các khu vực do phiến quân kiểm soát và 1.408 người ở các khu vực do chính phủ kiểm soát.
Còn theo Liên Hợp Quốc, có ít nhất 870.000 người tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đang cần cứu trợ đồ ăn. 5,3 triệu người Syria có thể trở thành người vô gia cư.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính, có tổng cộng gần 26 triệu người đã bị ảnh hưởng bởi trận động đất hôm 6/2.
Ngày 11/2, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cảnh báo rằng sẽ có biện pháp thích hợp với hành động cướp bóc và phạm tội ở các khu vực bị động đất tàn phá. Ông Erdogan đưa ra phát biểu trong bối cảnh đội cứu hộ từ một số nước đình chỉ hoạt động vì lý do an ninh.
Tổng thống cho biết ký túc xá của các trường đại học sẽ được trưng dụng cho các nạn nhân mất nhà cửa, việc học sẽ chuyển sang hình thức trực tuyến.
Cùng ngày, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ một số nhà thầu xây dựng các tòa nhà đổ sập trong trận động đất. Ở thành phố Adana, các công tố viên đã ra lệnh tạm giữ 62 người liên quan đến cuộc điều tra về các tòa nhà bị sập. Các nhà thầu ở tỉnh Hatay và TP Gaziantep cũng bị bắt giữ.
Về viện trợ, bên cạnh sự hỗ trợ của các nước, ngày 11/2, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - ông Tedros Adhanom đã đến TP Aleppo (Syria) - nơi bị động đất tàn phá nặng nề.
WHO ước tính rằng ở Thổ Nhĩ Kỳ, nơi có hơn 4.000 tòa nhà bị sập trong trận động đất, 15 bệnh viện thiệt hại một phần hoặc thiệt hại nặng nề. Còn ở Syria, nơi hệ thống chăm sóc sức khỏe đã bị tàn phá sau 12 năm nội chiến, ít nhất 20 cơ sở y tế trên khắp vùng Tây Bắc nước này bị ảnh hưởng lớn, trong đó có 4 bệnh viện đã hư hại nặng. WHO cảnh báo điều này khiến cho việc giúp đỡ hàng chục nghìn người bị thương trong thảm họa càng trở nên khó khăn hơn. Trong khi các cơ sở cứu chữa khẩn cấp quá tải bệnh nhân chấn thương, các dịch vụ y tế thiết yếu đã bị gián đoạn nghiêm trọng.
WHO nhấn mạnh sự cấp thiết của việc chăm sóc những người bị chấn thương, chăm sóc phục hồi sau chấn thương, cung cấp các loại thuốc thiết yếu, phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh bùng phát và hỗ trợ sức khỏe tâm thần.
Trên mạng xã hội Twitter, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, người đã đến thành phố Aleppo (Syria) ngày 11/2, cho biết ông "rất đau lòng khi chứng kiến hoàn cảnh mà những người sống sót đang phải đối mặt... thời tiết lạnh giá và khả năng tiếp cận nơi ở, thực phẩm, nước, thiết bị sưởi ấm và chăm sóc y tế cực kỳ hạn chế".