Tăng lương tối thiểu vùng nhằm đảm bảo mức sống
Theo Bộ LĐ-TB&XH, từ ngày 01/7/2024, tiền lương khu vực công sẽ tăng, theo đó, cần có sự điều chỉnh mức lương tối thiểu của khu vực doanh nghiệp để bảo đảm tương quan chung.
Cụ thể, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, Bộ luật Lao động quy định tiền lương trong khu vực doanh nghiệp do người lao động và chủ sử dụng quyết định dựa vào thương lượng, thỏa hiệp.
Nhà nước chỉ quy định sàn lương tối thiểu thấp nhất để bảo vệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp, làm công việc đơn giản.
Lương tối thiểu vùng do Chính phủ quyết định dựa trên khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia.
Tuy nhiên, việc tăng lương tùy vào mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, chỉ số giá tiêu dùng, khả năng chi trả của doanh nghiệp, việc làm và thất nghiệp…
Theo Bộ LĐ-TB&XH, ngày 20/12/2023, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã họp và thống nhất khuyến nghị Chính phủ tăng 6% lương tối thiểu vùng, tức tăng 200.000 - 280.000 đồng, từ 01/7/2024 tới.
Lý giải vì sao cần tăng lương tối thiểu vùng từ 01/7 thay vì 01/01 hằng năm như thông lệ, tại dự thảo tờ trình Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, Bộ LĐ-TB&XH cho hay, giá trị thực tế của mức lương tối thiểu tại Nghị định số 38/2022/NĐ-CP bị suy giảm dần theo thời gian do chỉ số giá tiêu dùng tăng (CPI).
Với dự kiến CPI năm 2024 tăng 4% - 4,5% thì mức lương tối thiểu nêu trên sẽ không còn đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ vào nửa cuối năm 2024 (thấp hơn khoảng 4%).
Trong khi đó, các yếu tố về kinh tế - xã hội, thị trường lao động, khả năng của doanh nghiệp năm 2023 có sự thay đổi theo hướng tích cực hơn so với năm 2022: Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt 5,05%; thị trường lao động tiếp tục duy trì đà phục hồi; sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có xu hướng tốt hơn; tiền lương, thu nhập của người lao động tiếp tục ổn định và tăng lên, quý sau cao hơn quý trước.
Ngoài ra, từ ngày 01/7/2024, chính sách tiền lương sẽ được triển khai cải cách tổng thể theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, tiền lương khu vực công sẽ tăng, theo đó, cần có sự điều chỉnh mức lương tối thiểu của khu vực doanh nghiệp để bảo đảm tương quan chung.
Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng tăng 6% từ ngày 01/7 nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động, tăng tiền lương của người lao động phù hợp với năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.