Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ năm, 09/02/2023 11:34 (GMT+7)

Số người chết do động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã tăng lên 12.000 người

Theo dõi GĐ&PL trên

Số người thiệt mạng tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sau các trận động đất đã tăng lên ít nhất 12.049 người và hy vọng tìm thấy người sống sót dưới đống đổ nát đang nhạt dần.

Giới chức và nhân viên y tế cho biết số người chết do động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã lần lượt tăng lên 9.057 và 3.042. Lực lượng cứu hộ vẫn đang đào bới các đống đổ nát sau trận động đất mạnh 7,8 độ xảy ra sáng sớm 6/2 để tìm kiếm người sống sót.

Thảm họa đã san phẳng hàng nghìn tòa nhà và hiện chưa rõ số người còn bị mắc kẹt, trong khi nỗ lực cứu hộ gặp khó khăn do thời tiết băng giá. Những người sống sót không có đủ thực phẩm và nơi trú ẩn, một số còn bất lực nghe thân nhân kêu cứu rồi dần im lặng.

tm-img-alt

Lực lượng cứu hộ tìm kiếm nạn nhân trong đống đổ nát sau trận động đất tại Harim, tỉnh Idlib (Syria), giáp giới với Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: AFP)

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày 8/2 tới địa điểm xảy ra trận động đất, an ủi người dân trong lều tạm tại Kahramanmaras. Ông nói có một số vấn đề trong phản ứng ban đầu với trận động đất song các hoạt động ngày càng cải thiện.

tm-img-alt
Người đàn ông đau khổ tại hiện trường một tòa nhà bị sập do động đất ở TP Diyarbakir, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 8/2 - Ảnh: Reuters

Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ ước tính khoảng 13,5 triệu người tại khu vực trải dài 450 km từ Adana ở phía tây đến Diyarbakir ở phía đông bị ảnh hưởng bởi động đất. Ankara đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài ba tháng với 10 tỉnh để đẩy nhanh các nỗ lực ứng phó.

Tại Syria, truyền thông quốc gia ước tính hơn 298.000 người mất nhà cửa sau động đất và đã mở 180 điểm trú ẩn, dường như chỉ đề cập các vùng Damascus kiểm soát.

Ủy ban châu Âu ngày 8/2 cho biết Syria đã lần đầu tiên đề nghị Liên minh châu Âu (EU) hỗ trợ. EU thông báo sẽ cung cấp thêm viện trợ nhân đạo khẩn cấp trị giá 6,5 triệu euro (7 triệu USD) cho cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.

Ngày 8/2, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết nhà chức trách nước này đang xúc tiến mở thêm hai cửa khẩu biên giới với Syria nhằm tạo điều kiện chuyển hàng viện trợ nhân đạo tới quốc gia láng giềng này, vốn cũng đang hứng chịu hậu quả nặng nề của trận động đất kinh hoàng vừa qua.

Phát biểu trong cuộc họp báo với sự tham dự của Phó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Fuat Oktay, ông Cavusoglu nêu rõ: “Cửa khẩu Cilvegozu đã mở. Chúng tôi đang làm việc để mở thêm 2 cửa khẩu nữa… Chúng tôi cũng cung cấp hỗ trợ cần thiết để hàng viện trợ đến được Syria.”

Trong khi đó, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc, Stephane Dujarric cho hay con đường dẫn đến cửa khẩu Bab al-Hawa từ Thổ Nhĩ Kỳ đến miền Bắc Syria đã bị hư hại và việc vận chuyển hàng cứu trợ đến vùng Tây Bắc, do lực lượng phiến quân kiểm soát, tạm thời bị gián đoạn.

Theo ông Dujarric, Liên hợp quốc đang chuẩn bị một đoàn xe để tiến vào Syria, nhưng điều đó có thể sẽ đòi hỏi một thỏa thuận mới với chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Nhiều quốc gia trên thế giới và các tổ chức quốc tế đang điều động các đội cứu hộ cũng như gửi hàng cứu trợ tới các khu vực bị ảnh hưởng do động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.

Chính phủ Anh ngày 8/2 thông báo sẽ viện trợ bổ sung, bao gồm các mặt hàng như lều bạt và chăn màn, để hỗ trợ những người sống sót sau trận trận động đất hôm 6/2 ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, trong bối cảnh thời tiết băng giá ở hai quốc gia này. Trong khi đó, Pakistan đã gửi đợt hàng cứu trợ đầu tiên tới Thổ Nhĩ Kỳ để hỗ trợ các nỗ lực cứu hộ sau trận động đất.

Lực lượng cứu hộ của Ai Cập, bao gồm các chuyên gia y tế và nhân viên cứu hộ, cùng 3 máy bay quân sự chở hàng viện trợ nhân đạo, vật tư y tế và lều bạt, đã đến Syria để giúp đỡ các nạn nhân của trận động đất kinh hoàng tại quốc gia Trung Đông này.

Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen thông báo Liên minh châu Âu (EU) có kế hoạch tổ chức một hội nghị các nhà tài trợ vào tháng 3 tới để huy động viện trợ quốc tế giúp Syria và Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả tàn khốc của trận động đất vừa qua.

Biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria là một trong những khu vực động đất hoạt động mạnh nhất thế giới. Trận động đất ngày 6/2 là trận động đất mạnh nhất Thổ Nhĩ Kỳ từng trải qua kể từ thảm họa cướp đi sinh mạng của 33.000 người năm 1939. Năm 1999, một trận động đất mạnh 7,4 độ đã khiến hơn 17.000 người chết.

Cùng chuyên mục

Bão Toraji gần Biển Đông, giật cấp 12
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 16 giờ, ngày 10/11, vị trí tâm bão Toraji ở vào khoảng 15,1 độ vĩ bắc; 126,9 độ kinh đông, trên vùng biển phía Đông Bắc đảo Luzon (Philippines).

Tin mới

Hà Nội sắp rét hơn 10 độ C
Do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh mạnh sắp về miền Bắc, nhiệt độ ở Thủ đô Hà Nội có thể sẽ giảm hơn 10 độ C vào ngày cao điểm (dự kiến ngày 28/11).
Đề xuất bệnh viện hạng I có thêm 02 năm để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử
Bộ Y tế hiện đang hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 46/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định hồ sơ bệnh án điện tử. Trong đó, dự thảo này đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 của Điều 20 Thông tư 46/2018/TT-BYT về lộ trình thực hiện bệnh án điện tử, như sau: Đến ngày 31/12/2025, tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc phải áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử tại đơn vị.
Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị
Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.