Số ca mắc sởi tăng cao, bệnh viện quá tải
Khoảng 1 tuần qua, số bệnh nhi mắc sởi phải nhập viện điều trị tại Đồng Nai tăng cao. Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai tiếp nhận gần 70 ca mắc mới, dẫn đến quá tải tại các khoa điều trị về hô hấp. Đáng lưu ý, hầu hết bệnh nhi mắc sởi đều chưa tiêm vaccine sởi hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi theo khuyến cáo.
Tại Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai vào sáng 20/11 có rất đông bệnh nhi đang điều trị. Không còn giường trống, nhiều bệnh nhi phải nằm ghép 2 bé/giường. Bệnh viện đã kê thêm giường bệnh ngoài hành lang nhưng vẫn không đủ chỗ. Nhiều bệnh nhi phải chuyển sang các khoa khác để điều trị.
Đang chăm sóc con gái 16 tháng tuổi tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, chị T.K.T (ngụ phường Long Bình, thành phố Biên Hòa) cho biết, cách đây 1 tuần, con chị sốt cao, ho, sổ mũi nên gia đình đưa bé đi khám bác sỹ tư và lấy thuốc về uống nhưng cháu không đỡ. Thấy sức khỏe của con ngày càng không ổn, chị T đã đưa con vào Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cấp cứu và được chẩn đoán mắc sởi, ban nổi khắp người. Sau hơn 1 tuần điều trị, cháu được cho thở oxy nhưng sức khỏe vẫn yếu. Vì một số lý do nên dù con gái đã 16 tháng tuổi nhưng gia đình vẫn chưa đưa đi tiêm vaccine phòng bệnh sởi.
Nằm chung giường bệnh với con gái chị T là bé N.V.Q (4 tuổi, ngụ phường Tân Hòa, thành phố Biên Hòa). Bé Q là trẻ sinh non, khi sinh chỉ nặng 1,2 kg nên sức khỏe yếu và hay bị bệnh vặt. Cách đây gần 1 tháng, cháu sốt cao 40 độ C, ho, nóng từ cổ lên đầu nên được gia đình đưa vào bệnh viện cấp cứu. Các bác sĩ chẩn đoán cháu mắc sởi và có biến chứng hô hấp nên cho thở oxy. Sau 1 tuần thở oxy, sức khỏe của cháu được cải thiện, các nốt ban đỏ đã lặn hết. Cháu ăn uống bình thường và sẽ sớm được xuất viện.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Quyền, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, khoa chỉ có 110 giường bệnh nhưng hiện có gần 200 ca bệnh đến chữa trị. Hầu hết, các ca bệnh đều có biến chứng viêm phổi, nhiều ca phải thở oxy, CPAP (thở áp lực dương liên tục, hỗ trợ hô hấp cho bệnh nhân suy hô hấp vẫn giữ khả năng thở), thậm chí là thở máy. Ở một số bệnh nhân có diễn tiến rất nhanh, nhập viện buổi sáng nhưng đến chiều đã suy hô hấp. Do đó, các y, bác sĩ trực đều phải làm việc hết công suất, quá tải. Hầu hết bệnh nhi mắc sởi đều chưa được tiêm vaccine sởi hoặc chưa tiêm đủ 2 liều. Bệnh sởi lây lan rất nhanh trong không khí nên nguy cơ bùng phát dịch và lan rộng trong cộng đồng rất cao.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm đến ngày 20/11, toàn tỉnh ghi nhận gần 2.100 ca mắc sởi (cùng kỳ năm 2023 chỉ ghi nhận 3 ca mắc), 1 trường hợp tử vong. Đáng nói, trong tổng số ca mắc sởi chỉ có 97 ca đã tiêm vaccine, chiếm 5%. Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính có tốc độ lây lan nhanh, dễ bùng phát thành dịch. Trẻ em là đối tượng hay mắc vì sức đề kháng yếu, nếu không được điều trị kịp thời sẽ mắc các biến chứng nặng, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe của trẻ.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đề nghị Trung tâm y tế các huyện, thành phố tiếp tục phối hợp với Phòng Giáo dục các huyện, thành phố, trường tiểu học tiếp tục rà soát học sinh trong độ tuổi tiêm chủng sởi (dưới 10 tuổi) để tiêm đủ, tiêm đúng vaccine sởi, sởi/rubella. Trung tâm y tế các huyện, thành phố tiếp tăng cường truyền thông đến người dân bằng các hình thức.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai đã đề nghị Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh công bố dịch bệnh sởi trên toàn tỉnh. Tiếp đó, ngành Y tế Đồng Nai sẽ đề xuất với Bộ Y tế triển khai tiêm vaccine sởi cho trẻ từ 6 - 9 tháng tuổi và trẻ trên 10 tuổi để tăng cường miễn dịch cộng đồng, hạn chế số ca mắc mới.