Nhìn lại một năm 2020 với những nhân vật lan truyền cảm hứng bất tận cho cộng đồng
Nhìn lại năm 2020 đầy biến động, chúng ta vẫn không thôi tự hào vì đã có những nhân vật truyền đi thông điệp tích cực, họ đã sống và nỗ lực cho một xã hội tốt đẹp hơn.
Năm 2020 có thể là một năm đầy biến động đối với thế giới, tuy nhiên càng nhiều thương đau con người ta lại càng phải kiên cường và mạnh mẽ hơn. Mỗi con người, một câu chuyện khiến ta thêm yêu quý cuộc sống.
Cậu bé bán bắp và khát khao được tới trường
Cậu bé Nguyễn Trần Trọng Phúc, 12 tuổi đã phải nghỉ học ngang từ năm lớp 2 để phụ giúp gia đình. Mỗi ngày, Phúc phải dậy từ sớm để phụ bà chẻ bắp, rửa bắp rồi luộc lên đem bán.
Những ngày bà trở bệnh, Phúc tự mình đẩy xe hàng đi kiếm thêm trong đêm. Chiếc xe bắp xuất hiện trên vực đường Bông Sao, quận 8 gây chú ý khi chỉ có một cậu bé nhỏ tuổi, vận trên người bộ đồng phục học sinh, lăng xăng lo từ việc gắp bắp đến thối tiền.
Hỏi ra mới hay cậu bé bán bắp đã nghỉ học từ lâu, nhưng em vẫn thường mặc bộ đồng phục được hàng xóm cho vì em thích đi học lắm. Ở độ tuổi ăn học, đáng lẽ Phúc không cần lo toàn về tiền nong, mưu sinh nhưng biết thế nào được, gia cảnh khó khăn, bố mẹ bỏ đi biệt xứ chỉ còn ông bà gồng gánh gia đình nhỏ với nhiều miệng ăn.
Hay tin về em, nhiều mạnh thường quân đã đến ủng hộ xe bắp, giúp cho Phúc có tiền ăn học. Cậu bé kiên cường ngày nào giờ cũng đã có cơ hội được cắp sách đến trường như bè bạn. Lời hứa: “Con hứa sẽ học giỏi” đủ để làm ấm lòng biết bao người quan tâm đến em.
Hoàng Tuấn Anh - Người sáng chế cây ATM có thể...rút được gạo, khẩu trang
“Cây ATM bình thường có thể nhả tiền thì cây ATM gạo có thể nhả gạo” – Ý tưởng ban đầu của anh Hoàng Tuấn Anh được ra đời ngay trong thời điểm dịch COVID-19 hoành hành. Rất nhiều hộ dân tại TP.HCM điêu đứng vì bị mất việc và nỗi sợ hãi dịch bệnh tràn lan trên thế giới. Để giúp đỡ phần nào cho người dân nghèo, anh Tuấn Anh đã vận dụng kiến thức để chế tạo ra máy “ATM gạo” có thể nhận diện gương mặt người đến lấy gạo và được phân phối qua một chiếc máy có người điều khiển từ bên trong.
Dự án của anh nhận được nhiều sự ủng hộ từ người dân trên toàn quốc, nhiều người đã quyên góp gạo gửi đến anh để hỗ trợ dự án tiếp tục hoạt động. Không dừng lại ở TP.HCM những “cây ATM gạo” hữu ích đã được dựng lên ở trên toàn quốc và lan ra các nước bạn như: Ấn Độ, Malaysia,…
Tiếp nối dự án “ATM gạo”, anh Tuấn Anh còn sáng tạo ra “ATM khẩu trang” đặt tại địa chỉ 204B Vườn Lài, quận Tân Phú, TP.HCM, đây cũng là địa chỉ của cây ATM gạo đầu tiên tại Việt Nam
Ngô Minh Hiếu và hành trình 10 năm cõng người bạn bị tật nguyền đến trường
Bắt đầu từ nhân duyên khi Ngô Minh Hiếu và Nguyễn Tất Minh, cựu học sinh Trường THPT Triệu Sơn 5 (huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa), là hai người bạn ở gần nhà nhau.
Nguyễn Tất Minh bị tật nguyền khiến đôi chân và cánh tay phải co quắp và ngày càng teo tóp. Việc dị tật cộng thêm bố mẹ đã đi vào Tây Nguyên làm kinh tế mới, Minh dù ham học nhưng vẫn không thể nào đến trường đều đặn bởi việc di chuyển khó khăn. Thương bạn, không muốn bạn bỏ học, Minh Hiếu đã trở thành “đôi chân” để Tất Minh có thể tiếp tục đến trường.
Suốt 10 năm ròng rã không quản ngại khó khăn, đôi bạn cùng tiến đã vượt cái nghèo, cái khổ để đeo đuổi đến cùng con đường tri thức. Nếu như Tất Minh đỗ vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ngành Công nghệ thông tin thì Minh Hiếu chỉ thiếu 0,25 để đậu nguyện vọng ĐH Y Hà Nội.
Cuối cùng cậu bạn kiên cường, bền bỉ ấy đã lựa chọn theo học tại trường ĐH Y Dược Thái Bình, nơi tình cờ cũng diễn ra câu chuyện cõng bạn đi học vô cùng xúc động giữa thầy hiệu nhà trưởng Hoàng Năng Trọng và nhà thơ Đỗ Trọng Khơi.
Phan Thanh Miên – Vị Chủ tịch xã quên mình để đưa đưa người dân đến nơi an toàn
Khẩu hiệu “Vì nước quên thân vì dân quên mình” quả thật xứng đáng dành cho ông Phan Thanh Miên, vị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Bắc Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Thời điểm tháng 10 vừa qua, đất nước ta, đặc biệt là khu vực miền Trung đã phải hứng chịu đợt bão lũ khủng khiếp.
Nước ngập ngang thân người trưởng thành khiến nhiều hộ dân không kịp di chuyển, tưởng chừng như bị cô lập khỏi cộng đồng. Ông Phan Thanh Miên, người vừa mới nhậm chức Chủ tịch cách đây 3 tháng vừa phải chỉ đạo lực lượng dân quân làm công tác ứng cứu, vừa xông xáo nơi tuyến đầu để kịp thời cứu giúp những hộ gia đình đang gặp khó khăn đi đến nơi tránh lũ.
Bận lo toan cho người khác mà ông bỏ qua chính bản thân mình, vết thương nơi đầu gối do lội nước nên bị nhiễm trùng, dù đã cố gắng chạy chữa nhưng vẫn không qua khỏi. Ông Phan Thanh Miên mất ngày 11/11. Rất nhiều người đã đến đưa tiễn ông lần cuối, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường thay mặt Thủ tướng đã tới thăm hỏi và tuyên dương tấm gương hy sinh vì dân vì nước của ông.
Nguyễn Đức Thuận – từ cậu bé bị bại não đến lập trình viên tin học xuất sắc
Cậu học trò chuyên Tin trường THPT chuyên Bắc Ninh Nguyễn Đức Thuận vừa vinh dự nhận giành Giải 3 Quốc gia môn Tin học và giải Nhất Hội thi Tin học trẻ Toàn quốc,… Tất cả những giải thưởng danh giá ấy đến từ một cậu bé vùng xa bị “bại não thể co cứng”.
Nguyễn Đức Thuận ngay từ khi chào đời đã được phát hiện không bình thường như những đứa trẻ khác: tay, chân của Thuận bị co quắp và tím tái, mắt thường chảy nước, sau đó lại thấy có lông quặm bẩm sinh, cổ mềm oặt không thể tự đứng dậy hay đi một mình. Những năm tháng sau này, “người bạn đồng hành” cùng em có khi là mẹ, khi là bạn hàng xóm, là bố và thầy, cô giáo ở các trường em theo học.
Từ bé cậu bạn đã đam mê vọc bàn phím cây đàn đồ chơi đến lúc lớn đâm ra thân thuộc với bàn phím máy tính lúc nào không hay. Chính sự kiên trì và tinh thần lạc quan, không tự ti, nản lòng đã giúp cho Thuận trở thành niềm tự hào của gia đình và là kỳ tích có một không hai của quê hương Bắc Ninh.