Nhiều tỉnh, thành rà soát việc mua kit xét nghiệm của Công ty Việt Á
Theo báo cáo, CDC Cần Thơ không mua kit xét nghiệm của Công ty Việt Á, Sở Y tế Bạc Liêu cũng từ chối vì giá cao, còn Bến Tre chưa phát hiện đơn vị trực thuộc mua kit test này.
Chiều 19/12, UBND TP. Cần Thơ yêu cầu Sở Y tế kiểm tra các đơn vị trực thuộc về việc có sử dụng các sản phẩm của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) do Phan Quốc Việt (41 tuổi) làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc. Ông Việt là một trong 7 người vừa bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam trong vụ nâng khống giá bán kit xét nghiệm SARS-CoV-2 ngày 17/12 vừa qua.
Trao đổi với báo chí, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Dương Tấn Hiển cho biết, Công ty Việt Á có chi nhánh tại địa phương này. Tuy nhiên, Sở Y tế Cần Thơ báo cáo rằng Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Cần Thơ không mua kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á.
Lãnh đạo một bệnh viện ở Cần Thơ cũng cho hay đơn vị này có ký hợp đồng với Công ty Việt Á về việc mua 15 bộ kit xét nghiệm Covid-19 (trên 36 triệu đồng một bộ) thông qua đấu thầu. Tuy nhiên, đến nay Công ty Việt Á mới cung cấp được 5 bộ kit.
Tại Bạc Liêu, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu, ông Bùi Quốc Nam cho biết, Công ty Việt Á từng cử nhân viên đến địa phương này chào hàng bán kit test Covid-19. Tuy nhiên, do giá cao và không phù hợp với dòng máy xét nghiệm nên ngành y tế Bạc Liêu từ chối mua.
Hay tại Bến Tre, Giám đốc Sở Y tế Ngô Văn Tán cũng cho hay đã rà soát nhưng chưa phát hiện đơn vị trực thuộc nào mua kit test Covid-19 của Công ty Việt Á.
Tại Đồng Nai, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ cho biết, có mua kit test nhanh của Công ty Việt Á, nhưng số lượng mua với số lượng rất ít, không đáng kể vào thời điểm đầu năm 2020. Ông Vũ cho hay, một số bệnh viện ở Đồng Nai chỉ mua số lượng vài ngàn kit xét nghiệm Covid-19. Đồng thời, ông Vũ cũng khẳng định không có khuất tất liên quan đến vấn đề này.
Trước đó, Bộ Công an đã khởi tố ông Việt cùng 4 nhân viên công ty về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng". Ông Phạm Duy Tuyến (Giám đốc CDC Hải Dương), Nguyễn Mạnh Cường (cựu Kế toán trưởng CDC Hải Dương) cũng bị khởi tố về tội danh này.
Theo Cơ quan điều tra, tháng 03/2020, sau khi Hội đồng Khoa học và Công nghệ quốc gia thông qua, Bộ Y tế đã cấp phép đăng ký lưu hành cho sản phẩm kit xét nghiệm SARS-CoV-2 của Công ty Việt Á. Phan Quốc Việt và thuộc cấp lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu thiết bị xét nghiệm SARS-CoV-2 nên cùng ông Phạm Duy Tuyến thỏa thuận để Công ty Việt Á cung cấp sản phẩm cho CDC Hải Dương sử dụng trước, sau đó mới hợp thức thủ tục đấu thầu theo hình thức chỉ định thầu rút gọn.
Ông Tuyến còn thống nhất để Công ty Việt Á chi tiền “lại quả” cho mình theo hợp đồng ký kết. Sau đó, Phan Quốc Việt đã nâng khống giá đầu vào thiết bị ở mức 470.000 đồng/kit để có tiền chi hoa hồng cho Giám đốc CDC Hải Dương.
Cơ quan điều tra xác định từ tháng 2 đến tháng 11/2021, CDC Hải Dương đã hợp thức ký kết và thanh toán cho Công ty Việt Á 5 hợp đồng cung cấp vật tư, thiết bị y tế với tổng số tiền hơn 151 tỉ đồng. Trong đó, ông Tuyến nhận được số tiền chi ngoài hợp đồng gần 30 tỉ.
Hiện, Bộ Công an tiếp tục điều tra mở rộng đối với các tổ chức, cá nhân liên quan để làm rõ bản chất, yếu tố tư lợi nhằm thu hồi tài sản cho Nhà nước.