Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ tư, 18/11/2020 15:32 (GMT+7)

Nhiều học sinh chưa hiểu biết sâu sắc về truyền thống văn hóa của dân tộc

Theo dõi GĐ&PL trên

Ông Lê Như Xuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết ngành giáo dục sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc đưa giáo dục văn hóa truyền thống của các dân tộc vào trường học.

Tại buổi gặp mặt các giáo viên tiêu biểu người dân tộc thiểu số trong khuôn khổ chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020 do Trung ương Đoàn TNCSHCM phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, các thầy, cô giáo đã chia sẻ rằng, những hạn chế trong Tiếng Việt, điều kiện học tập, môi trường sống còn khó khăn... đã dẫn đến chất lượng giáo dục cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số còn hạn chế. Từ đây, các thầy, cô giáo bày tỏ mong muốn giá trị văn hóa của dân tộc được bảo tồn, phát huy.

Cô Lê Thị Thu Trang, giáo viên Trường Tiểu học và THCS EaTrol (Sông Hinh, Phú Yên) cho rằng, hiện nay học sinh chưa hiểu biết sâu sắc về truyền thống văn hóa của dân tộc.

Giáo viên chủ động đưa các nội dung giáo dục văn hóa truyền thống vào giảng dạy - Ảnh 1.
Các giáo viên nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tại buổi gặp mặt các giáo viên tiêu biểu người dân tộc thiểu số (ảnh: Bộ GDĐT)

Có kinh nghiệm hơn 17 năm gắn bó với học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cô giáo Lê Thị Thu Trang chia sẻ, người Êđê, Ba Na tại khu vực Sông Hinh, Phú Yên có một kho tàng văn hóa hết sức đồ sộ, quý giá như: văn hóa cồng chiêng, các lễ hội truyền thống… nhưng học sinh người Êđê, Ba Na rất ít biết đánh cồng chiêng; ít biết hát dân ca, hoặc sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình; ít biết các nghề truyền thống như dệt vải, đan lát, làm rượu cần...

"Như vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số sau này sẽ gặp khó khăn”, cô giáo Lê Thị Thu Trang nhận định.

Từ thực tế này, cô Trang đề nghị cần có một đề án hoặc kế hoạch cụ thể để đưa những nội dung trên vào chương trình học ngoại khóa của học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, định kỳ tổ chức hoạt động giao lưu văn hóa các dân tộc trong đoàn viên thanh niên để giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với nhiệm vụ phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương.

Cô Trần Thị Bích Thu là người dân tộc Cơ-tu, hiện đang giảng dạy tại một trường mầm non thuộc xã Hòa Bắc, Hòa Vang, Đà Nẵng. Tại buổi gặp mặt, cô cho biết, nhà trường nói riêng, giáo dục mầm non nói chung rất được thành phố quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cả về cơ sở vật chất, chế độ chính sách.

Mặc dù vậy, cô cũng như các đồng nghiệp vẫn gặp khó khăn trong giảng dạy do trẻ em dân tộc thiểu số có vốn tiếng Việt rất hạn chế, dẫn tới tình trạng thiếu tự tin khi giao tiếp, không mạnh dạn tham gia các hoạt động chung... Bên cạnh đó, dù được hưởng chế độ dinh dưỡng tốt ở trường, nhưng thể trạng các em vẫn nhỏ bé do kinh tế gia đình khó khăn, bữa ăn đủ dinh dưỡng tại nhà là rất hiếm. 

“Dinh dưỡng rất quan trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Đây là vấn đề tôi trăn trở và rất mong trẻ dân tộc Cơ-tu nói riêng, trẻ em vùng kinh tế xã hội khó khăn nói chung được hỗ trợ để có thể nâng cao thể trạng, từ đó phát triển tốt hơn”, cô giáo Trần Thị Bích Thu bày tỏ mong muốn.

Trước những băn khoăn này của các thầy cô giáo, ông Lê Như Xuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, hiện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có đề án về bảo tồn, phát văn hóa dân tộc các dân tộc thiểu số. Trên cơ sở đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc đưa giáo dục văn hóa truyền thống của các dân tộc vào trường học.

Ông Lê Như Xuyên cũng lưu ý, trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 có dành 20% cho giáo dục địa phương. Theo chương trình mới, nhà trường, giáo viên được chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường phù hợp với điều kiện thực tế để bảo đảm chất lượng giáo dục. Do đó, các nhà trường, giáo viên có thể chủ động trong việc đưa các trò chơi mang đậm bản sắc dân tộc mình vào nhà trường một cách phù hợp.

Chia sẻ với các thầy cô giáo dân tộc thiểu số đang công tác ở những vùng khó khăn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực vượt qua khó khăn, rào cản trong công việc của các thầy cô. Thứ trưởng mong muốn các thầy cô tiếp tục cố gắng, chủ động và bản lĩnh để thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục tại các vùng miền còn khó khăn, đặc biệt trong giai đoạn thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, để bảo tồn văn hóa dân tộc, vùng miền, bên cạnh vai trò của ngành, của từng thầy cô giáo, rất cần trách nhiệm của từng địa phương, từng trường, từng cơ sở, mỗi gia đình và các bộ ngành liên quan.

Cùng chuyên mục

Giảng đường 36 giờ không ngủ ở VinUni
Sáng tạo thích ứng nhanh là một môn học mới mẻ ngay cả với nhiều đại học danh tiếng trên thế giới. Ở VinUni, đây là môn học nền tảng rèn luyện năng lực tư duy sáng tạo và giải quyết vấn đề, làm bệ phóng cho những môn học chuyên môn sau này.

Tin mới

Ngân hàng thương mại có thể bị cấm bán bảo hiểm liên kết đầu tư
Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo Thông tư quy định việc cấp đổi Giấy phép, cấp bổ sung nội dung hoạt động vào Giấy phép và một số quy định về tổ chức, hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng.
Đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng SJC
Các chuyên gia, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng SJC và đề nghị triển khai các giải pháp quyết liệt nâng hạng thị trường chứng khoán.
Những đối tượng có thể được sử dụng thẻ ngân hàng
Người từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước; người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước.