Nguyên nhân 72 học sinh ngộ độc do vi khuẩn tụ cầu vàng nhiễm vào thịt gà: Chuyên gia nói về nguyên nhân và cách phòng tránh
Theo luật ATTP người mắc bệnh truyền nhiễm không được tham gia chế biến thực phẩm. Đặc biệt, những người bị có vết thương ở trên da, phải nghỉ cho đến khi lành vết thương.
Sở Y tế TP Hà Nội vừa công bố nguyên nhân khiến 72 học sinh nhập viện sau khi đi dã ngoại trở về là do "vi khuẩn tụ cầu vàng nhiễm vào thịt gà có trong suất ăn".
Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội đã nói về nguyên nhân và cách phòng tránh nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng.
Vi khuẩn tụ cầu vàng là gì
Tụ cầu vàng là vi khuẩn hình cầu, tụ thành từng cụm như chùm nho, không di động. Theo ông Thịnh, vi khuẩn này phân bố rộng rãi trong tự nhiên, thường ký sinh trên da và niêm mạc. Thực phẩm giàu chất đạm, chất béo như thịt gia súc, gia cầm, cá hoặc thực phẩm có hàm lượng nước cao, nhiều tinh bột và nhiệt độ bảo quản không đảm bảo thường dễ bị nhiễm tụ cầu vàng.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết về cơ chế sinh vi khuẩn, vi khuẩn tụ cầu vàng thường có trong các vết mụn nhọt, mưng mủ từ vết xước, đứt tay của con người. Nếu vi khuẩn tụ cầu vàng rơi vào thực phẩm thì phát triển rất nhanh và làm hư hỏng thực phẩm.
"Độc tố của vi khuẩn tụ cầu vàng không nguy hiểm, chưa đến mức gây chết người, tuy nhiên nếu để lâu thì biến thực phẩm thành ôi thiu, người ăn vào sẽ bị ngộ độc thực phẩm. Nếu thực phẩm nhiễm tụ cầu vàng được nấu, chiên kỹ ở nhiệt độ cao thì vi khuẩnchết", PGS.TS Nguyễn Huy Thịnh nhấn mạnh.
Ông Thịnh chia sẻ thêm, vi khuẩn tụ cầu vàng xảy ra trong quá trình chế biến. Theo luật ATTP người mắc bệnh truyền nhiễm không được tham gia chế biến thực phẩm. Đặc biệt, những người bị có vết thương ở trên da, phải nghỉ cho đến khi lành vết thương mới được chế biến thực phẩm.
Đáng chú ý, theo PGS.TS Nguyễn Huy Thịnh, thời điểm mùa Hè là điều kiện rất thuận lợi để nhiều loại vi khuẩn phát triển, vì các loại vi khuẩn trong đó có vi khuẩn E. coli và cả tụ cầu vàng thường phát triển trong điều kiện thời tiết ấm. Khi chế biến thực phẩm nếu không tuân thủ các quy định về ATTP thì thức ăn bị ôi thiu nhanh, các vi khuẩn này gây tiêu chảy, nếu nặng còn dẫn đến tử vong.
Cách phòng nhiễm khuẩn tụ cầu vàng
Theo Bộ Y tế, tụ cầu vàng tên khoa học là Staphylcocs aureus, có đường kính là khoảng 0.8-1 micromet. Loại vi khuẩn này thường tập trung như chùm nho. Khi vi khuẩn này xâm nhập vào cơ thể qua các lỗ hở như một vết cắt hoặc phát ban, nó có thể gây ra nhiễm trùng sâu bên trong, rất nguy hiểm.
Vi khuẩn tụ cầu vàng thường cư trú trên da nhưng ít gây bệnh. Nhưng nếu có các vết xước, mụn trên người, kèm theo vệ sinh cá nhân không tốt, cơ thể có sức đề kháng yếu thì vi khuẩn tụ cầu dễ dàng xâm nhập gây các bệnh nguy hiểm.
Tụ cầu vàng gây ra các tổn thương ngoài da như: chốc lở, viêm nang lông, các loại mụn nhọt, loét da. Thậm chí, có khi tạo nên các ổ áp xe nằm ngay dưới da gây đau đớn, sốt, sưng nề sung huyết làm đỏ cả một vùng da.
Khi nhiễm vào máu, tụ cầu cũng có thể gây nên các bệnh nặng như: áp xe phổi, viêm tủy xương, viêm nội tâm mạc hoặc gây viêm màng não mủ... Bệnh có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh và cũng có nguy cơ cao gây nhiễm khuẩn huyết.
Khi bị tụ cầu vàng, bác sĩ sẽ điều trị bằng cách cho bệnh nhân sử dụng kháng sinh. Tuy nhiên, ngày nay do việc sử dụng kháng sinh tùy tiện, không theo chỉ định đã gây nên tình trạng kháng kháng sinh khiến cho việc điều trị các nhiễm trùng gây nên bởi tụ cầu vàng trở nên khó khăn.
Tụ cầu vàng có khả năng kháng nhiều loại kháng sinh trong đó có kháng sinh nhóm penicillin bao gồm: methicillin, penicillin, amoxicillin và oxacillin.
Tụ cầu vàng thậm chí còn được coi là một loại "siêu vi khuẩn" do hiện nay nó đã trở nên đề kháng với rất nhiều loại kháng sinh mà trước kia có thể sử dụng để tiêu diệt nó trong các bệnh viện, trung tâm y tế…
Theo Viện Y học ứng dụng Việt Nam, mọi người đều có thể bị ngộ độc khi ăn phải những thức ăn bị nhiễm tụ cầu vàng. Những thực phẩm dễ bị nhiễm tụ cầu vàng nhất là: Trứng, thịt gia súc, gia cầm, salad (có trứng, cá ngừ, thịt gà, khoai tây, mỳ ống), các loại bánh nướng có kem, các sản phẩm từ sữa…
Nguồn lây nhiễm tụ cầu vàng có thể do dụng cụ nấu nướng, chế biến thực phẩm không bảo đảm vệ sinh hay do quá trình lựa chọn, chế biến, bảo quản thực phẩm kém chất lượng.
Do đó, Viện Y học ứng dụng Việt Nam khuyến cáo, khi bị nhiễm khuẩn trên da cần bao phủ vùng da đó bằng băng gạc sạch, khô. Giữ vệ sinh sạch sẽ, rửa tay theo hướng dẫn, tránh tiếp xúc gần với người mắc bênh, cần làm sạch các vết xước, vết cắt và vết thương trên da để giảm thiểu nguy cơ tụ cầu vàng xâm nhập qua những vết thương hở này.
Người dân cần tuân theo những quy tắc sơ chế và chế biện thực phẩm an toàn để phòng nguy cơ ngộ độc do tụ cầu gây ra. Rửa tay kỹ với xà phòng và nước trước khi chế biến thực phẩm. Nếu có vết thương, nhiễm trùng da, hay nhiễm trùng tại mắt, mũi, không nên chuẩn bị thức ăn cho người khác.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, cũng khuyến cáo, người dân cần làm sạch và tiệt trùng nhà bếp và khu vực ăn uống.
Khi nấu, đảm bảo nhiệt độ cao trên 60 độ C và bảo quản thực phẩm lạnh dưới 4 độ C. Những thực phẩm cần giữ lạnh cần được đưa vào tủ lạnh càng sớm càng tốt.
Bảo quản thực phẩm đã nấu chín trong các hộp đựng nông, rộng và cho vào tủ lạnh trong vòng 2 giờ (hoặc 1 giờ nếu nhiệt độ bên ngoài nóng hơn 32˚C).
Đeo găng tay khi chế biến thức ăn nếu bạn có vết thương hoặc nhiễm trùng trên tay hoặc cổ tay.