Nghệ nhân Nguyễn Phương Hồng: 'Tôi tự hào cùng những người yêu lan đã nỗ lực hết mình vì cộng đồng'
Năm 2020 là một năm đặc biệt với mỗi người dân Việt Nam. Với Nghệ nhân Nguyễn Phương Hồng, Vườn Lan Lê Sơn (Hòa Bình), năm 2020 là một năm thật tuyệt vời với công tác xã hội. Sau đây là cuộc trao đổi giữa chúng tôi với Nghệ nhân Nguyễn Phương Hồng.
PV: Xin ông có thể nêu một vài cảm nhận riêng của ông về năm 2020?
Nghệ nhân Nguyễn Phương Hồng: Tôi đồng tình với nhận định của một số chuyên gia khi cho rằng: Năm 2020, một năm nhiều khó khăn thách thức đối với các ngành các cấp do tác động của thiên tai và dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp khó lường, nhưng cũng là một năm in đậm chủ nghĩa yêu nước, tinh thần dân tộc, tương thân tương ái của nhân dân lại được khơi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Diễn đàn Đời sống và Phát triển vinh dự được đồng hành cùng hơi thở của thời cuộc thông qua những việc làm thiết thực hướng về cộng đồng...
Có thể nói năm 2020 là một năm rất thành công trên nhiều phương diện của dân tộc ta. Một năm, Việt Nam thể hiện rõ ý chí tự lực tự cường, khởi dậy tinh thần dân tộc, chủ nghĩa yêu nước nồng nàn đã được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử. Trong khi cả thế giới chao đảo về COVID19, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới kiểm soát tốt nhất dịch bệnh và đảm bảo tăng tưởng kinh tế dương 2,91%, đồng thời vẫn đảm bảo tất cả các cán cân lớn của nền kinh tế.
Tôi thấy có rất nhiều nhận xét của các chuyên gia, các nhà quản lý khác nhau về cảm xúc năm 2020, nhưng tôi đặc biệt ấn tượng với nhận xét của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị tổng kết ngành Thông tin và Truyền thông. Phó Thủ tướng cho rằng: "Đặc biệt, trong đại dịch, tinh thần yêu nước, tương thân tương ái của nhân dân lại được khơi dậy và sự vận hành của một thể chế, bộ máy từ Trung ương đến cơ sở được thông suốt, ý Đảng, lòng dân hòa quyện lại. Chúng ta không chỉ vượt qua những thách thức lớn mà còn khơi dậy lòng tự hào dân tộc, lòng tin của nhân dân đối với Đảng, đối với chế độ. Bao trùm hơn hết là lòng tin của tất cả người Việt Nam ở trong nước và ngoài nước vào con đường đi lên của đất nước...."
PV: Vậy ông có thể chia sẻ một vài công việc ông đã đồng hành với cộng tác cộng đồng trong năm 2020?
Nghệ nhân Nguyễn Phương Hồng: Tôi vinh dự được đồng hành cùng Diễn đàn Đời sống và Phát triển một số công việc thiện nguyện cộng đồng năm 2020 như: Tết 0 đồng tại Bệnh viện Nhi Trung ương; Trao tặng khẩu trang, nước rửa tay kháng khuẩn cho một số điểm cách ly phòng chống COVID19; Cuộc thi viết "Sống đẹp trong ứng phó với Virus CORONA"; Trao tặng khẩu trang, nước rửa tay kháng khuẩn cho một số điểm cách ly phòng chống COVID19; Tham gia Hội nghị, hội thảo về phát triển hoa lan, cây cảnh thành một ngành kinh tế sinh thái; Đồng hành cùng công tác thiện nguyện gây quỹ phòng chống COVID19, ủng hộ lũ lụt miền Trung; Đồng hành với nhiều sự kiện của ngành Nông nghiệp...
PV: Vâng có thể nói là rất nhiều việc có ý nghĩa thiệt thực vì cộng đồng, vậy ông có thể nêu một hoạt động mà ông cảm thấy tâm huyết nhất...?
Nghệ nhân Nguyễn Phương Hồng: Có thể nói việc được tham gia các hoạt động thiện nguyện cộng đồng với tôi là một niềm vinh dự. Thông qua những cộng việc như vậy, tôi có dịp được chia sẻ cùng cộng đồng. Tuy nhiên, một việc đọng lại trong tôi nhiều ấn tượng nhất, chính là việc được đồng hành cùng cộng đồng những người yêu hoa lan chung tay ủng hộ phòng chống COVID19 và ủng hộ đồng bào lũ lụt ở miền Trung.
Xuất phát từ việc Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước về nâng cao tinh thần đoàn kết để chiến thắng đại dịch, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tinh thần "Chống dịch như chống giặc" và hưởng ứng lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam nhằm tiếp tục cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tập trung phòng, chống dịch Covid-19, khắc phục hậu quả lũ lụt tại các tỉnh miền Trung và có thêm nguồn lực, tăng cường các biện pháp phòng, chữa bệnh, bảo đảm an sinh xã hội, an toàn đời sống và sức khỏe của nhân dân, chúng tôi đã tích cực đồng hành cùng anh chị em yêu hoa lan Việt Nam đã ủng hộ tổng số tiền hàng chục tỷ đồng.
Trong đó, phải kể đến những mạnh thường quân như: Anh Trương Quốc Chính - Chủ Resort Hoa lan Chính Trương (Ba Vì - Hà Nội); Anh Võ Anh Truyền - CLB Hoa lan đột biến Sông Hàn (Đà Nẵng); Chị Vũ Hường - CLB Áo dài yêu hoa lan Quảng Ninh; Anh Dũng Trang - CLB Những người yêu Hoa lan Hòa Bình; Nhà vườn Hai Beo (TP. Hồ Chí Minh); Anh Nguyễn Tấn Sơn và CLB Cái Bang (Bình Dương); Anh Nguyễn Thanh Xuân - Hoa lan Bình Phước; Anh Nguyễn Hưng - CLB Lan VAR Lào Cai; Hội Hoa lan Đột biến Hà Nội; CLB Hoa lan Đột biến Thủ đô, CLB Lan VAR Xứ Đoài; CLB Lan VAR quê lúa, Vườn lan Tấn Phong (Hà Đông - Hà Nội), Vườn lan Đỗ Nghĩa (Hoài Đức - Hà Nội), cùng hàng ngàn nhà vườn và các CLB Hoa lan trong toàn Quốc đồng hành chia sẻ, chung tay đóng góp vật chất tinh thần. Riêng cá nhân anh Trương Quốc Chính - Chủ Resort Hoa lan Chính Trương (Ba Vì - Hà Nội) đã ủng hộ tổng số tiền thông qua các hình thức thiện nguyện lên tới gần 20 tỷ đồng.
Nhằm kịp thời sẻ chia những khó khăn của cán bộ ngành y tế, lực lượng trên tuyến đầu phòng chống dịch tại các điểm cách lý tập trung có nguy cơ cao ở Hà Nội, Hải Dương và Lào Cai, sáng ngày 20/03/2020, Diễn đàn Đời sống và Phát triển phối hợp cùng Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Công an Hà Nội và Trung đoàn CSCĐ Hà Nội tổ chức trao tặng 10.000 khẩu trang, 10.000 chai dung dịch rửa tay khô kháng khuẩn và phối hợp với một số cơ quan báo chí ở Trung ương và Hà Nội tổ chức đẩy mạnh truyền thông chuyên đề phòng, chống COVID19 trong cộng đồng.
PV: Bên cạnh hoạt động thiện nguyện, năm 2020, cũng là một năm ngành hoa lan có nhiều thử thách, vậy ông đã làm gì đóng góp cho nỗ lực chung đó?
Nghệ nhân Nguyễn Phương Hồng: Như chúng ta đã biết, Nghị định 52 đã đề cập rất rõ 7 nhóm nghề lớn ở khu vực nông thôn, qua đó khơi dậy hết tiềm năng kinh tế ở nông thôn, đặc biệt là nghề sinh vật cảnh đã phát huy các giá trị môi trường, thời đại, văn hóa. Trước đây, chỉ nói nghề sinh vật cảnh là nghề trang trí, nhưng giờ đây, nó trở thành nghề làm giàu và Việt Nam rất có điều kiện để phát triển. Đó là khẳng định của lãnh đạo ngành nông nghiệp tại các hội nghị chuyên ngành gần đây.
Trong khó khăn chung của nền kinh tế năm 2020, do tác động mạnh mẽ của thiên tai dịch bệnh nhiều ngành kinh tế đã gặp không ít khó khăn phải thu hẹp quy mô sản xuất. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp nói chung, hoạt động sản xuất, kinh doanh và làm Sinh Vật Cảnh nói riêng lại phát huy được những thế mạnh nội tại của mình để phát triển, thu hút nhiều nguồn lực xã hội để mở rộng quy mô và thị trường thích ứng nhanh với tình hình mới. Đặc biệt là thị trường "ngách" Hoa lan đột biến (Lan Phi điệp VAR) đã phát triển nhanh chóng, có thời điểm đã tạo ra hiện tượng xã hội thu hút sự quan tâm của các ngành các cấp, nhất là giới truyền thông.
Từ đó, trong dư luận xã hội, đặc biệt trên các diễn đàn mạng xã hội đã xuất hiện tâm lý lo ngại "bong bóng" Lan đột biến cùng với những hiện tượng tiêu cực phát sinh sẽ ảnh hưởng không tốt đến nền kinh tế nói chung và an ninh trật tự xã hội nói riêng. Trước tình hình đó, Công an nhiều địa phương, phần lớn các phương tiện truyền thông và ngay cả cơ quan chuyên ngành là Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam đã đưa ra cảnh báo cộng đồng về những nguy cơ tiềm ẩn rủi ro kinh tế và phát sinh hoạt động tội phạm đằng sau các giao dịch hoa lan đột biến.
Cộng đồng những người yêu hoa lan chân chính chúng tôi luôn theo dõi sát tình hình thị trường, thâm nhập thực tế, gặp gỡ các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý và các chủ thể có liên quan để tìm hiểu và đưa ra những góc nhìn khách quan, những định hướng phù hợp. Để một mặt góp phần không để những định kiến xã hội "bóp nghẹt" một ngành hàng có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển của đất nước. Mặt khác cũng đưa ra ý kiến tư vấn phản biện tại các diễn đàn nhằm lên án những hành vi lừa đảo, ăn theo, núp bóng loài hoa này để trục lợi, đây là nguồn cơn gây ra những ý kiến trái chiều cho dư luận.
Trong đó, có cả việc lên án hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh đã lợi dụng mạng xã hội, "truyền thông bẩn" để gây hỗn loạn thông tin có liên quan. Với những bằng chứng thuyết phục, cộng với sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng, sự dũng cảm dám đấu tranh của những nhà khoa học, giới nghệ nhân, doanh nhân, chủ nhà vườn, nhà báo chân chính đã sớm "minh oan" cho sự sôi động và phát triển lành mạnh của thị trường hoa lan đột biến nói riêng, Sinh Vật Cảnh nói chung.
PV: Vâng còn một câu hỏi cuối, được biết ngoài những hoạt động chuyên ngành trực tiếp và hoạt động thiện nguyện, thì năm 2020, ông còn tham gia một số hoạt động của ngành Nông nghiệp. Vậy xin ông có thể chia sẻ thêm về nội dung này?
Nghệ nhân Nguyễn Phương Hồng: Đúng là năm 2020, cũng là một năm ghi lại nhiều dấu ấn đầy sóng gió của ngành Nông nghiệp. Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tác động của thiên tại dịch bệnh diễn biến phức tạp, tác động đến đời sống, kinh tế, xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu và gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông sản; dịch tả lợn châu Phi giảm mạnh nhưng chưa được khống chế hoàn toàn nên gây không ít khó khăn cho tái đàn, tăng đàn; cúm gia cầm có nguy cơ bùng phát khi tổng đàn đang rất lớn; Ảnh hưởng lớn do lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra ở cả 3 miền, nhất là khu vực miền Trung và vùng ĐBSCL ; thị trường tiêu thụ một số nông sản có xu hướng giảm và chịu tác động từ chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, các nước gia tăng áp dụng những biện pháp bảo hộ, hàng rào kỹ thuật...
Song với nỗ lực của các ban ngành từ Trung ương đến địa phương, ngành Nông nghiệp đã đạt được những kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành khoảng 2,65%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 41,25 tỷ USD. Đây được xem như một sự cứu cánh cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong bối cảnh khó khăn chung của khu vực và thế giới.
Là thành viên của Diễn đàn Đời sống và Phát triển chúng tôi đã đồng hành với ngành nông nghiệp thông qua các sự kiện giới thiệu, quảng bá, hội thảo kết nối sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền gắn với văn hóa các tỉnh: Miền núi phía Bắc, Đồng bằng Sông Hồng, Miền trung - Tây Nguyên và Nam Bộ.
Chúng tôi cùng các thành viên khác của Diễn đàn đã tích cực phối hợp với các nhà khoa học của Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam, Hội Sinh Vật Cảnh Hà Nội đã có hơn 100 bài viết chuyên luận phản biện chân thực về xu hướng phát triển các ngành nghề nông thôn; tham gia góp ý dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng; tham gia các Hội thảo chuyên ngành tiêu biểu như: Hội thảo trực tuyến về Hợp tác Nam Nam bàn về các giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, Hội nghị tổng kết 2 năm thực hiện Nghị định số 52/2018/NĐ - CP của Chính phủ...
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!