Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ bảy, 09/11/2024 06:38 (GMT+7)

Ngăn chặn hiệu quả, không để xảy ra dịch bệnh lớn sau thiên tai

Theo dõi GĐ&PL trên

Theo chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ngày 11/11 tới đây, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan về nhóm vấn đề lĩnh vực y tế, trong đó có việc huy động, bố trí lực lượng y tế, bảo đảm thuốc men, vật tư y tế cung cấp cho người dân và công tác phòng, chống dịch bệnh sau thiên tai.

tm-img-alt
Phun hóa chất phòng chống dịch bệnh sau lũ tại huyện Lệ Thủy, Quảng Bình.

Ứng phó hiệu quả trong các tình huống thiên tai

Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và biến đổi khí hậu, lũ lụt, hạn hán nghiêm trọng, xâm nhập mặn, sạt lở đất đã và đang gây ra nhiều ảnh hưởng đến đời sống, tính mạng của nhân dân và sự phát triển bền vững của nước ta. Phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ hàng đầu, thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe, đời sống và tài sản của nhân dân.

Khi có thiên tai, thảm họa xảy ra, ngành Y tế đóng vai trò quan trọng trong công tác cấp cứu nạn nhân cũng như công tác phòng, chống dịch bệnh. Bộ Y tế cho biết, những năm qua, toàn ngành Y tế đã làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để ứng phó có hiệu quả trong các tình huống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, kịp thời cứu chữa nạn nhân, không để dịch bệnh lớn xảy ra sau thiên tai, duy trì được các chỉ tiêu về y tế được Chính phủ giao hằng năm. Qua đó, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản trong thiên tai, làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trước, trong và sau thiên tai.

Từ những bài học kinh nghiệm sâu sắc trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19 về huy động, bố trí lực lượng y tế; đồng thời để chủ động, sẵn sàng đáp ứng kịp thời với những diễn biến của các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi và các tình trạng y tế công cộng khẩn cấp, thiên tai, thảm họa; ngành Y tế đang tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp về xây dựng hoàn thiện thể chế, quy hoạch hệ thống, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, chế độ, chính sách cho cán bộ y tế và phát triển y tế cơ sở, từng bước củng cố hệ thống y tế dự phòng... Công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng, chống dịch bệnh sau thiên tai được duy trì, sẵn sàng đáp ứng với các tình huống.

Bộ Y tế đã ban hành danh mục cơ số thuốc, thiết bị y tế; xây dựng kế hoạch, tổ chức dự trữ một số vật tư, hóa chất khử khuẩn tại kho hàng của Bộ Y tế ở Đà Nẵng để hỗ trợ các địa phương, đơn vị khi vượt quá khả năng theo phương châm "4 tại chỗ"; tăng cường kiểm tra, chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát, mua sắm dự trữ cơ số thuốc, thiết bị y tế dự trữ theo quy định; ưu tiên, xem xét giải quyết các đơn hàng nhập khẩu thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành để đáp ứng nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa. Bộ đề nghị các địa phương có kế hoạch dự trữ, cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc cho nhu cầu điều trị, đặc biệt đảm bảo cơ số thuốc phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh; tránh để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, biến động tăng giá thuốc, thiếu thuốc phục vụ công tác phòng và điều trị các bệnh có thể phát sinh sau thiên tai, bão lũ.

Nhằm đảm bảo quy định của pháp luật về đấu thầu mua thuốc, vật tư, thiết bị y tế được ban hành kịp thời, đầy đủ, thống nhất và đồng bộ, Bộ Y tế đã tích cực, chủ động phối hợp, tham gia với các bộ, cơ quan liên quan trình Quốc hội, Chính phủ ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn; ban hành các Thông tư hướng dẫn về lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế theo thẩm quyền quy định tại Luật Đấu thầu và Nghị định số 24/2024/NĐ-CP; phân cấp, phân quyền triệt để thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động của các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế.

Trong thực tiễn, khi có thiên tai xảy ra, điển hình như bão số 3 vừa qua, Bộ Y tế đã chỉ đạo triển khai các hoạt động ứng phó trước khi bão đổ bộ, khắc phục sau bão và mưa lũ. Các cơ sở y tế dự phòng đã triển khai các hoạt động giám sát dịch bệnh, vệ sinh môi trường; các cơ sở y tế của Bộ Y tế, các địa phương đã kịp thời trực tiếp cấp cứu, điều trị và duy trì kết nối liên tục 24/24 giờ với các đầu cầu tại các cơ sở y tế trong vùng bị ảnh hưởng, tư vấn khám chữa bệnh từ xa cho các nạn nhân bị tai nạn, thương tích.

Sau khi thiên tai, thảm họa xảy ra, Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương triển khai nhanh chóng các biện pháp vệ sinh môi trường, khử khuẩn nước sinh hoạt, phun hóa chất diệt côn trùng và liên tục truyền thông về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sau thiên tai theo phương châm "nước rút đến đâu, vệ sinh đến đó", nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan các bệnh như tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, cúm, sốt xuất huyết và các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa.

Thống kê từ Bộ Y tế cho thấy, trong bão số 3, Bộ đã xuất cấp 19 tấn hóa chất khử khuẩn môi trường Chloramin B; vận động tài trợ 1 triệu viên khử khuẩn nước Aquatabs từ Tổ chức Y tế thế giới; 8,5 tấn Chloramin B và 200.000 viên khử khuẩn nước Aquatabs từ Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF). Bộ đề xuất Chính phủ xuất cấp 1,76 triệu viên hóa chất khử khuẩn nước từ nguồn dự trữ quốc gia; đề nghị UNICEF hỗ trợ hệ thống trữ nước và bình lọc gốm không dùng điện, xà phòng, dung dịch sát khuẩn cho 200 hộ gia đình, trường học, trạm y tế của 10 xã thuộc tỉnh Lào Cai, Yên Bái. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan hỗ trợ các tỉnh Lào Cai, Yên Bái 120.000 viên khử khuẩn; 25.000 túi đựng nước sạch 5 lít; 1.000 hộp viên khử khuẩn nước cho các tỉnh Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái.

Tại 28 tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc nơi bị ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ không ghi nhận gia tăng số mắc một số bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm, thủy đậu, tiêu chảy; chưa ghi nhận các bệnh truyền nhiễm khác và chưa ghi nhận phát sinh các ổ dịch bệnh truyền nhiễm.

Ngăn chặn hiệu quả, không để xảy ra dịch bệnh lớn sau thiên tai ảnh 1
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu.

Năng lực hệ thống y tế cơ sở còn hạn chế

Mặc dù các yếu tố nền tảng của hệ thống y tế nhìn chung đã được cải thiện rõ rệt, song, Bộ Y tế cho rằng, hệ thống y tế vẫn tồn tại một số hạn chế, nhất là đối với hệ thống y tế tại những vùng khó khăn (trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên). Những khu vực này có rất ít hoặc chưa có bệnh viện Trung ương tuyến cuối, làm ảnh hưởng tới khả năng ứng phó cấp vùng và công tác điều phối, huy động nhân lực y tế trong thiên tai, thảm họa. Năng lực hệ thống y tế cơ sở - đóng vai trò quan trọng là lực lượng tại chỗ, tuyến đầu - còn hạn chế; hệ thống cấp cứu (bao gồm cả hồi sức cấp cứu tại viện và cấp cứu ngoại viện) chưa đáp ứng nhu cầu.

Thiên tai trong những năm gần đây diễn biến phức tạp, khó lường, có lúc, có nơi địa phương còn bị động trong việc xây dựng kịch bản ứng phó, chưa lường hết nguy cơ hoặc thực tế vượt khả năng đảm bảo. Công tác ứng phó gặp nhiều khó khăn, đặc biệt tại các vùng hay xảy ra ngập lụt, giao thông bị chia cắt gây trở ngại trong công tác khám chữa bệnh, vận chuyển bệnh nhân cấp cứu.

"Kinh phí phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, thảm họa của ngành Y tế và các địa phương còn hạn chế, nhất là trong bảo đảm thuốc, hóa chất vật tư y tế. Trong thời gian qua có những vướng mắc trong cơ chế mua sắm đấu thầu thuốc, vật tư y tế nói chung, trong đó có thuốc, vật tư y tế cho phòng, chống thiên tai", Bộ Y tế cho hay.

Để khắc phục những tồn tại trên, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, Bộ sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý, nâng cao chất lượng công tác quản lý, mua sắm thuốc, thiết bị y tế và triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; thực hiện tốt quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế trong quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 nhằm nâng cao năng lực hệ thống y tế trong ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống và ứng phó trước, trong, sau thiên tai, thảm họa. Các đơn vị, địa phương chủ động tổ chức mua sắm, dự trữ, quản lý bảo quản thuốc, hóa chất, thiết bị y tế theo phương châm "4 tại chỗ". Bộ Y tế tiếp tục tiến hành rà soát, xây dựng kế hoạch tổ chức mua sắm, dự trữ, sẵn sàng cấp phát hỗ trợ các đơn vị, địa phương trong trường hợp vượt quá khả năng./.

Cùng chuyên mục

Cảnh báo đột quỵ "rình rập" khi thời tiết thay đổi
Thời gian gần đây, tại TP Hồ Chí Minh ghi nhận một số trường hợp đột ngột ngã gục và tử vong khi đang di chuyển trên đường. Nguyên nhân dẫn đến những cái chết thương tâm này được xác định là do đột quỵ.
Bệnh sởi ở người lớn gia tăng, cảnh báo nguy cơ lây lan do chủ quan​
Những ngày qua, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận nhiều bệnh nhân sởi là người lớn. Các bác sĩ cảnh báo, hiện vẫn còn nhiều người lớn chủ quan với bệnh sởi. Trong bối cảnh dịch sởi đang có diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương thì việc tiêm vaccine phòng bệnh là vô cùng cần thiết.
Cảnh báo đỏ về tình trạng lạm dụng kháng sinh toàn cầu
Theo một nghiên cứu mới được công bố, mức sử dụng kháng sinh trên toàn cầu đã tăng 21% kể từ năm 2016, làm dấy lên những lo ngại nghiêm trọng về nguy cơ kháng thuốc kháng sinh. Phân tích dữ liệu từ 67 quốc gia cho thấy xu hướng gia tăng đáng báo động này.

Tin mới

Tăng gắn kết với doanh nghiệp, nâng hiệu quả đào tạo nghề
Đích đến của giáo dục nghề nghiệp là cung ứng lực lượng lao động trực tiếp chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động. Do đó, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, gắn kết với đơn vị sử dụng lao động là giải pháp quan trọng, rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành trong đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề.
Chi phí định cư Canada bao nhiêu tiền?
Chi phí định cư Canada là vấn đề cần cân nhắc và tính toán kỹ lưỡng trước khi bắt đầu cuộc sống mới tại quốc gia này. Thực tế, chi phí định cư Canada bao gồm rất nhiều khoản, nếu không có sự chuẩn bị chu đáo, quý vị khó có thể yên tâm trong hành trình an cư Canada. Bài viết dưới đây tổng hợp chi phí định cư Canada cần thiết để quý vị có thể chuẩn bị cho hành trình sắp tới.
Hướng dẫn mới về giấy khám sức khỏe đối với người điều khiển xe máy chuyên dùng từ 01/01/2025
Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 36/2024/TT-BYT quy định về tiêu chuẩn sức khỏe, việc khám sức khỏe đối với người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng; việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô; cơ sở dữ liệu về sức khỏe của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng.