Mẹ chủ quan khi bị cúm lúc mang thai, sinh xong choáng váng khi thấy điều này trên mặt con
Suốt 7 tháng đầu mang thai, người mẹ không đi siêu âm, kể cả sau lần bị cúm, chị đau lòng khi thấy con chào đời với gương mặt dị dạng, không thể tự bú sữa.
Bệnh viện Nhi Trung ương vừa cho biết, các bác sĩ khoa Sọ mặt và Tạo hình mới phẫu thuật thành công cho bé trai 17 ngày tuổi (ở Sơn La) mắc dị tật khe hở mặt phức tạp (Tessier 3,4,5,6) gây biến dạng nặng nề 1 nửa khuôn mặt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các chức năng cơ quan của trẻ.
Bác sĩ Đặng Hoàng Thơm - Trưởng khoa Sọ mặt và tạo hình cho biết, đây cũng là em bé sơ sinh nhỏ tuổi nhất tính đến thời điểm hiện tại được thực hiện phẫu thuật tạo hình khe hở mặt phức tạp tại Việt Nam.
Mẹ bệnh nhi chia sẻ, cháu là con thứ 3 trong gia đình. Thời gian mang thai ở tháng thứ 2, mẹ bị cúm nhưng do thấy 2 bé trước khỏe mạnh, cộng với giao thông khó khăn, kính tế eo hẹp nên chị chủ quan không đi khám, siêu âm. Đến khi thai kỳ ở tháng thứ 7, chị đi siêu âm lần đầu thì được bác sĩ thông báo con bị dị tật vùng mặt.
Thai quá lớn, gia đình không còn cách nào nên đã quyết định sinh con. Thời điểm chào đời, người mẹ vô cùng choáng váng khi thấy mặt con bị dị tật phức tạp. Em bé sau đó đã được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương khi mới được 2 ngày tuổi.
“Một bên mặt bị biến dạng khiến con không thể tự bú mẹ và mà phải ăn qua ống từ lúc sinh ra đến giờ… thương con lắm, chỉ mong các bác sĩ tìm cách chữa được cho con”, mẹ bệnh nhi nghẹn ngào nói.
Bác sĩ Đặng Hoàng Thơm nhận định, trường hợp này nếu không nhanh chóng được phẫu thuật tạo hình lại các bộ phận trên khuôn mặt sẽ khiến trẻ gặp rất nhiều khó khăn khi ăn uống, sinh hoạt, thậm chí mù lòa. Do vậy, các bác sĩ đã hội chẩn đa chuyên khoa để tìm phương án điều trị cho cháu bé.
Khi bé trai được 17 ngày tuổi, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cải thiện ngoại hình và các chức năng trên khuôn mặt. Sau ca phẫu thuật kéo dài gần 4 tiếng, một số dị tật đã được sửa chữa, trẻ có thể tự bú, tuy nhiên chức năng mắt vẫn cần theo dõi và đánh giá thêm.
Bác sĩ Thơm cho biết, tới đây bệnh nhi vẫn phải theo dõi sự phát triển của xương hàm mặt để can thiệp ghép xương, phẫu thuật khe hở vòm họng, phẫu thuật tạo hình điều chỉnh mũi về vị trí cân đối để trả lại toàn diện về cả thẩm mỹ, chức năng, giúp trẻ tự tin hòa nhập cộng đồng.
Theo các bác sĩ sản khoa, phụ nữ mang thai bị cúm đều ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi, đặc biệt là thời gian mang thai 3 tháng đầu. Theo đó, não bộ của thai nhi rất dễ bị tổn thương bởi bệnh cúm của người mẹ, nhất là khi thân nhiệt của người mẹ liên tục trên 39 độ C.
Ngoài ra, thuốc điều trị cảm cúm cũng ảnh hưởng xấu đến hệ thần kinh trung ương của bào thai. Trong trường hợp nặng, có thể dẫn đến dị tật bẩm sinh như: dị dạng đầu nhỏ, tim bẩm sinh, bệnh sứt môi, não tụ huyết và không não…
Sốt cao và độc tố còn có thể kích thích tử cung co bóp làm thai nhi chết lưu hoặc sinh non. Vì vậy những trẻ bị sinh non do người mẹ bị mắc cúm thường nặng và dễ tử vong.
Để phòng cúm khi mang thai, các mẹ cần tiêm phòng cúm để bảo vệ cả mẹ và con. Virus gây cảm cúm dễ lây lan nên việc tránh xa bất cứ ai có triệu chứng cảm cúm rất quan trọng. Bên cạnh đó, mẹ nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước ấm, hoặc sử dụng dung dịch rửa tay có cồn. Tránh chạm tay lên mũi, mắt và miệng. Các mẹ bầu cũng cần phải ăn uống, bổ sung dinh dưỡng hợp lý để tăng sức đề kháng trong quá trình mang thai.