Mẹ bầu 39 tuần nhập viện sinh mổ, lúc con chào đời mới bất ngờ biết dây rốn thắt nút
Chỉ sau khi em bé chào đời, bà mẹ Sài thành và cả ê kíp bác sĩ mổ đẻ cho sản phụ mới bất ngờ biết dây rốn thai nhi bị thắt nút.
Mới đây, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hữu Trung, Trưởng khoa Phụ sản Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh đã mổ đẻ cho một sản phụ mang bầu lần 2.
Cách đây 3 năm, sản phụ đã sinh mổ lần 1. Lần mang bầu thứ 2, hầu hết trong các lần thăm khám thai định kỳ, mẹ bầu khám tại một phòng khám mà không vào bệnh viện.
Tới tuần thứ 39, sản phụ nhập viện đẻ. Nhận thấy có vết mổ cũ, em bé lại nặng hơn 3,8 kg nên bác sĩ Trung đã chỉ định sinh mổ.
Điều đáng ngạc nhiên là sau khi mổ bắt con, cả ê kíp bác sĩ mổ đẻ mới phát hiện thai nhi vừa chào đời bị dây rốn thắt nút. May mắn là cả 2 mẹ con sau sinh đều mạnh khỏe, an toàn.
Theo bác sĩ Trung cho biết, dây rốn thắt nút là một trong những trường hợp hiếm gặp khi mang thai và sinh nở nhưng lại là mối nguy hiểm đe dọa đến tính mạng thai nhi. Được biết tỷ lệ dây rốn thắt nút chiếm 0.3- 2.2% các ca sinh và nâng tỷ lệ tử vong thai nhi tăng cao hơn gấp 4 lần so với thai bình thường.
Bình thường dây rốn đảm nhận vai trò quan trọng trong việc vận chuyển ô xy và dưỡng chất từ mẹ sang thai, đảm bảo sự sống của bé khi còn trong bụng mẹ. Tuy nhiên do một yếu tố nào đó, dây rốn bị thắt nút lại, tùy theo tình trạng nút thắt chặt hay lỏng sẽ gây ra các biến chứng trong thai kỳ.
“Có nhiều nguyên nhân hình thành dây rốn thắt nút ở thai nhi. Do trong quá trình thai nhi cử động, vô tình di chuyển qua các vòng cung của dây rốn tạo thành nút thắt. Ngoài ra, có một số yếu tố thuận lợi làm tăng nguy cơ dây rốn thai nhi bị thắt nút như: Dây rốn quá dài, thai phụ đa ối, kích thước thai nhi nhỏ, thai nhi là bé trai hiếu động, thai phụ từng sinh nhiều… Và thực tế rất khó xác định chính xác thời điểm tạo thành dây rốn thắt nút. Dây rốn thắt nút có thể tạo thành rất sớm từ 9 - 12 tuần tuổi thai, bởi ở giai đoạn này thể tích nước ối nhiều hơn thể tích thai nhi chiếm chỗ”, bác sĩ Trung chia sẻ.
Tùy theo trường hợp dây rốn thai nhi bị thắt nút lỏng hay thắt chặt mà gây nên mức độ nguy hiểm khác nhau. Nếu thắt lỏng, thai sẽ ít bị ảnh hưởng hơn, ngược lại, nếu dây rốn thắt chặt sẽ gây nguy hiểm cho thai nhi nhiều.
“Nguyên nhân là do tuần hoàn của thai nhi bị cản trở, thai nhi không được cung cấp khí oxy và chất dinh dưỡng có thể tử vong ngay khi còn trong bụng mẹ. Bên cạnh đó, khi còn trong bụng mẹ, em bé có xu hướng luôn chuyển động thông qua việc nghịch, xoay đầu... khiến các nút thắt dây rốn có thể từ lỏng rồi chặt dần, ảnh hưởng đến sự trao đổi chất của mẹ và bé. Điều này khiến mẹ bầu có nguy cơ đối mặt với nguy hiểm lúc chuyển dạ. Khi đầu em bé được đẩy ra ngoài, dây rốn cũng kéo xuống, nút thắt trở nên chặt hơn và rất có thể em bé sẽ tử vong khi chuyển dạ sinh thường nếu không nhận biết dây rốn thắt nút từ sớm”, bác sĩ Trung nhận định.
Vị bác sĩ chuyên khoa này cũng khẳng định, dây rốn thai nhi thắt nút bình thường rất khó phát hiện và chẩn đoán qua siêu âm. Bởi ngoài phụ thuộc vào bác sĩ siêu âm có kỹ hay không, còn phải xem vị trí dây rốn thắt nút có bị thai nhi che chắn, cũng như máy siêu âm thai hiện đại hay không để có thể phát hiện ra dây rốn thắt nút.