Lương cơ sở tăng, mức trợ cấp của người khuyết tật có thay đổi?
Mức lương cơ sở tăng từ 01/7 kéo theo nhiều mức trợ cấp tăng. Vậy, đối với người khuyết tật thì mức trợ cấp xã hội này có thay đổi theo mức lương cơ sở không?
Theo Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, mức trợ cấp xã hội hàng tháng của người khuyết tật được tính theo mức chuẩn trợ giúp xã hội nhân với hệ số quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP.
Do đó, việc tăng lương cơ sở không tác động đến mức trợ cấp hàng tháng của người khuyết tật, đồng nghĩa với việc, người khuyết tật không được tăng lương từ 01/7/2023.
Theo khoản 1, Điều 3, Nghị định 24/2023/NĐ-CP quy định, mức lương cơ sở được dùng làm căn cứ để:
- Tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định đối với cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng và lao động hợp đồng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam…
- Tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật;
- Tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.
Khoản 1, Điều 4, Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định, mức chuẩn trợ giúp xã hội là căn cứ xác định mức trợ cấp xã hội.
Hiện nay, mức chuẩn trợ giúp xã hội là 360.000 đồng/tháng. Người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng là đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng với hệ số tương ứng như sau:
- Hệ số 2,0 đối với người khuyết tật đặc biệt nặng;
- Hệ số 2,5 đối với trẻ em khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người cao tuổi là người khuyết tật đặc biệt nặng;
- Hệ số 1,5 đối với người khuyết tật nặng;
- Hệ số 2,0 đối với trẻ em khuyết tật nặng hoặc người cao tuổi là người khuyết tật nặng.
Tương đương với mức trợ cấp xã hội hàng tháng như sau:
- 720.000 đồng/tháng đối với người khuyết tật đặc biệt nặng;
- 900.000 đồng đối với trẻ em khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người cao tuổi là người khuyết tật đặc biệt nặng;
- 540.000 đồng/tháng đối với người khuyết tật nặng;
- 720.000 đồng/tháng đối với trẻ em khuyết tật nặng hoặc người cao tuổi là người khuyết tật nặng.
Lưu ý: Tùy thuộc điều kiện kinh tế - xã hội tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định mức trợ cấp cao hơn cho người khuyết tật tại địa phương mình.
Thủ tục hưởng trợ cấp xã hội đối với người khuyết tật
Theo Luật sư, tại Điều 7, Điều 8, Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, thủ tục hưởng trợ cấp xã hội đối với người khuyết tật thực hiện như sau:
Bước 1: Đối tượng, người giám hộ của đối tượng hoặc tổ chức, cá nhân có liên quan gửi Tờ khai đề nghị trợ giúp xã hội theo mẫu 1đ Nghị định này đến UBND cấp xã nơi cư trú;
Khi nộp cần xuất trình Giấy xác nhận khuyết tật để cán bộ tiếp nhận hồ sơ đối chiếu các thông tin kê khai trong tờ khai;
Bước 2: Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, công chức phụ trách công tác LĐ-TB&XH có trách nhiệm rà soát hồ sơ, trình Chủ tịch UBND cấp xã tổ chức việc xem xét, quyết định việc xét duyệt, niêm yết công khai kết quả xét duyệt tại trụ sở UBND cấp xã trong thời gian 02 ngày làm việc, trừ những thông tin liên quan đến HIV/AIDS của đối tượng;
Trường hợp có khiếu nại, trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại, Chủ tịch UBND cấp xã tổ chức xem xét, kết luận, công khai nội dung khiếu nại;
Bước 3: Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày hồ sơ được xét duyệt và không có khiếu nại, Chủ tịch UBND cấp xã có văn bản đề nghị kèm theo hồ sơ của đối tượng gửi Phòng LĐ-TB&XH;
Bước 4: Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ của đối tượng và văn bản đề nghị của Chủ tịch UBND cấp xã, Phòng LĐ-TB&XH thẩm định, trình Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định trợ cấp xã hội hàng tháng;
Trường hợp đối tượng không đủ điều kiện hưởng, Phòng LĐ-TB&XH trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;
Bước 5: Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản trình của Phòng LĐ-TB&XH, Chủ tịch UBND cấp huyện xem xét, quyết định trợ cấp xã hội hàng tháng cho đối tượng.
Thời gian hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng đối với người khuyết tật từ tháng được cấp giấy xác nhận mức độ khuyết tật.