Kiên Giang: “Mẹ đỡ đầu - Chia sẻ yêu thương” cho 31 trẻ mồ côi do tác động dịch COVID-19
Trong 2 ngày (14-15/6), Chương trình “Mẹ đỡ đầu - Chia sẻ yêu thương” do Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh phối hợp với Hội Nữ Doanh nhân tỉnh Kiên Giang tổ chức đã thăm hỏi, hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng 31 trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Chương trình “Mẹ đỡ đầu - Chia sẻ yêu thương” đã hỗ trợ, nuôi dưỡng 31 trẻ em mồ côi, mỗi em 5 triệu đồng/năm. Trong đó, huyện Kiên Lương 3 em; huyện Hòn Đất 4 em; huyện An Biên 2 em; huyện Gò Quao 9 em và huyện Giồng Riềng 13 em (trong đó có 01 em do cán bộ, công chức người lao động cơ quan Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh nhận đỡ đầu).
Chương trình “Mẹ đỡ đầu - Chia sẻ yêu thương” nhằm huy động sự chung tay, góp sức của toàn xã hội, cộng đồng để làm tốt công tác hỗ trợ, nuôi dưỡng, đỡ đầu cho các trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn có cơ hội được phát triển toàn diện trong môi trường gia đình và cộng đồng. Bên cạnh đó, giúp đỡ các em tiếp tục thực hiện ước mơ trên con đường học tập, phấn đấu rèn luyện để trở thành người sống có lý tưởng và có ích cho xã hội. Đồng thời, hướng tới thực hiện mục tiêu “Trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn đều được đỡ đầu, chăm sóc, không có trẻ em nào bị bỏ lại phía sau”.
Chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Đoàn Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động và được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh hưởng ứng, triển khai từ cuối năm 2021 với mục đích hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi do tác động của dịch COVID-19 và các nguyên nhân khác, vừa góp phần xoa dịu nỗi đau, vừa tạo điểm tựa vững chắc giúp trẻ mồ côi vượt qua hoàn cảnh, bước tiếp trên con đường phía trước.
Với nhiều cách thức nhận đỡ đầu khác nhau, các tập thể, cá nhân có thể nhận chăm sóc, nuôi dưỡng các em tại nhà, đến chăm sóc tại nơi các em đang sinh sống. Hoặc có thể nhận đỡ đầu, hỗ trợ chăm sóc các em thông qua tổ chức Hội phụ nữ tại địa phương hoặc thông qua người trực tiếp nuôi dưỡng thay thế…
Trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện, tôn trọng quy định của pháp luật về quyền trẻ em, đồng thời việc hỗ trợ phải đảm bảo phù hợp với nhu cầu của trẻ, tạo điều kiện để trẻ được chăm sóc, nuôi dưỡng trong môi trường an toàn, lành mạnh. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các “mẹ đỡ đầu” và chính quyền địa phương nơi các em đang sống.