Kiểm tra, xử lý Công ty Cù Lao Xanh gây ô nhiễm môi trường
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh kiểm tra, có biện pháp xử lý việc Khu liên hợp xử lý chất thải của Công ty Cù Lao Xanh gây ô nhiễm.
Về việc Khu liên hợp xử lý chất thải của Công ty trách nhiệm hữu hạn Cù Lao Xanh tại xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc gây ô nhiễm môi trường, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh kiểm tra, có biện pháp xử lý nhằm đảm bảo môi trường cho người dân.
Biển hiệu Công ty TNHH Cù Lao Xanh. |
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, Khu liên hợp xử lý chất thải của Công ty trách nhiệm hữu hạn Cù Lao Xanh đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và cấp giấy phép xử lý chất thải.
Trước đây, khu vực khu xử lý là điểm tiếp nhận rác tạm của huyện Xuân Lộc, hiện nay đang tiếp nhận rác sinh hoạt của địa phương với khối lượng khoảng 82 tấn/ngày.
Thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ chôn lấp chất thải, Công ty trách nhiệm hữu hạn Cù Lao Xanh đã đầu tư dây chuyền phân loại, tái chế compost. Rác sau khi tiếp nhận được tập kết, phân loại ủ, sản xuất compost và một phần đốt tại lò đốt chất thải nguy hại (kết hợp đốt rác sinh hoạt).
Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân huyện Xuân Lộc đo đạc, giám sát hoạt động của khu xử lý, qua đó đã ghi nhận các nội dung tồn tại về nước thải và báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành quyết định số 21/QĐ-XPVPHC ngày 24/2/2020 về việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với công ty, với số tiền 344 triệu đồng.
Riêng về chất lượng môi trường không khí, Công ty trách nhiệm hữu hạn Cù Lao Xanh có đầu tư các công trình xử lý khí thải, sử dụng các chế phẩm sinh học để hạn chế mùi hôi. Các kết quả đo đạc khí thải và chất lượng môi trường xung quanh đều đạt quy chuẩn cho phép. Tuy nhiên, với đặc trưng ngành nghề xử lý rác thải sinh hoạt, nếu không có biện pháp che chắn sẽ dễ phát sinh mùi hôi, nhất là tại các khu vực tiếp nhận rác, khu vực ủ, khu vực chôn lấp vào thời điểm thay đổi thời tiết.
Cũng theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, ngày 16/11/2020, Đoàn kiểm tra của Tổng cục Môi trường đã có yêu cầu Công ty trách nhiệm hữu hạn Cù Lao Xanh có biện pháp che phủ chất thải sinh hoạt và các phần thu hồi được từ dây chuyền phân loại chất thải rắn sinh hoạt, giảm thiểu mùi hôi và nước rỉ rác phát sinh.
Riêng về việc người dân có phản ánh khu xử lý còn tiếp nhận rác thải công nghiệp ngoài tỉnh để xử lý (xe tải chuyển rác mang biển số 61, 72), Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai cho biết hiện nay, phạm vi hoạt động của Công ty trách nhiệm hữu hạn Cù Lao Xanh được thực hiện theo báo cáo đánh giá tác động môi trường và giấy phép xử lý chất thải được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp.
Trước đó, phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam ghi được hình ảnh Cty TNHH Cù Lao Xanh có Khu liên hợp xử lý chất thải (xã Xuân Tâm- Xuân Lộc- Đồng Nai) hút nước rỉ rác xả trực tiếp ra môi trường.
Công nhân của Cty nhận lệnh của cấp trên xả nước rỉ rác có mùi hôi thối trực tiếp ra môi trường. |
Theo ghi nhận của phóng viên tại hiện trường, khu liên hợp xử lý chất thải của Công ty Cù Lao Xanh có nhiều hồ chứa nước màu đen, đặc quánh, nằm lộ thiên đang bốc mùi thối, nước thải đen đặc chảy ra từ rác thấm sâu xuống lòng đất, gây ô nhiễm mạch nước ngầm.
Công ty còn dùng máy bơm để bơm nước đặc quánh bùn thải từ hồ chứa thải chưa qua xử lý, xả ra khu vực đất bên ngoài.
Toàn cảnh của Nhà máy nhìn từ trên cao. |
Đây không phải là lần đầu tiên Khu liên hợp xử lý chất thải của Công ty Cù Lao Xanh gây ô nhiễm môi trường. Trước đó, khi tiếp xúc với các đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Đồng Nai, cử tri huyện Xuân Lộc đã phản ánh khu xử lý chất thải của công ty trong quá trình hoạt động còn phát tán mùi hôi ra môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
Điều đáng nói là khu xử lý này tiếp nhận cả rác thải công nghiệp ngoài tỉnh Đồng Nai đem về đây để xử lý, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường xung quanh./.