Khúc Tráng ca: Gọi mãi tên anh!
Khắp dải đất hình chữ S có biết bao biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của niềm tự hào và khát vọng dân tộc chân chính về sự nghiệp dựng nước và giữ nước! Tất cả đã làm nên những bản hùng ca bất hủ và những khúc tráng ca còn mãi với thời gian.
KHÚC TRÁNG CA
Hình ảnh như Nàng Tô Thị xứ Lạng, hòn Vọng Phu núi Nhồn xứ Thanh, hòn Vọng Phu trên đỉnh nùi Bà (Bình Định), hay những hòn Vọng Phu trong truyền thuyết dân gian đến hàng vạn hòn Vọng Phu đang hiện hữu sống động trong đời sống của chúng ta. Đây không chỉ là hình tượng người phụ nữ thủy chung son sắc chờ chồng đã hoá đá bất tử với thời gian, mà còn là khát vọng hoà bình, mạch nguồn cảm thức thiêng liêng xúc động trong sâu thẳm tâm hồn mỗi người con Đất Việt.
Chiến tranh, những khúc thăng trầm bị tráng khi binh đao giặc dã, loạn lạc hay giữa thời bình dòng máu nóng vẫn tuôn rơi vì an ninh trận tự xã hội, sự bình yên của nhân dân đã khiến bao gia đình phải chia ly, bao người vợ phải chờ chồng đằng đẵng không biết ngày hội ngộ.
Người phụ nữ Việt Nam trong hoàn cảnh đó, họ không chỉ được biết tới là hình tượng những hòn Vọng Phu với những khúc “Chinh phụ ngâm” bi tráng mà họ còn được biết đến là những nữ anh hùng trực tiếp xông pha nơi tiến tuyến, những người mẹ Việt Nam Anh hùng - xứng danh con cháu Bà Trưng, Bà Triệu ở hậu phương bất khuất, trung hậu, đảm đang một lòng phụng sự Tổ quốc, hiến dâng trọn vẹn cho Dân tộc.
Họ đã nén đau thương lần lượt tiễn chồng và những người con thân yêu nhất của mình ra mặt trận để bảo vệ non sông gấm vóc, cơ đồ tổ nghiệp ông cha đã dựng xây tự ngàn đời mà không biết có ngày gặp lại.
Nhiều người trong số họ đã không thể trở về như những lời ước hẹn hoặc trở về với những vết thương trên thịt da. Sự hy sinh đó vì nghĩa lớn thật tự hào biết bao. Không gì có thể diễn tả được. Càng không thể bù đắp được. Sự hy sinh của họ đã hóa thành bất tử gắn với mỗi tên đất tên làng và dáng hình Tổ quốc nước Nam ta.
Đời đời ghi nhớ công ơn và thiết thực hành động tri ân các anh hùng dân tộc, các anh hùng liệt sỹ, gia đình thương binh, bệnh binh, những người sả thân vì nghĩa lớn trong hành trình dựng nước và giữ nước vĩ đại của Dân tộc.
Để tiếp nối những truyền thống quý báu đó và phát huy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn. Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc, tháng 6 năm 1947, thực hiện Chỉ thị của Hồ Chủ Tịch, Tổng bộ Việt Minh, Hội Phụ nữ cứu quốc, Cục Chính trị quân đội quốc gia Việt Nam, Nha thông tin tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại Đại Từ- Thái Nguyên đã thống nhất lấy ngày 27/7/1947 làm ngày Thương binh toàn quốc.
Từ đó, tháng 7 không chỉ còn là tháng gợi buồn với những cơn mưa Ngâu rả rích gắn với truyền thuyết Ngưu Lang - Chức Nữ, với những người mang trong mình dòng máu nóng của con Lạc cháu Hồng đều bồi hồi tâm tưởng hướng về tháng 7 - Tháng Tri ân “đền ơn đáp nghĩa”, hướng về cội nguồn, khơi dậy chủ nghĩa anh hùng cách mạng và niềm tự hào dân tộc thiết tha.
GỌI MÃI TÊN ANH
Hoà trong không khí những ngày tháng 7 lịch sử này, Nhạc sỹ Phạm Việt Long đã dành những rung cảm đặc biệt viết lên ca khúc “Gọi mãi tên anh” từ lời thơ của tác giả Trần Thị Lý và đã được Ca sỹ, Á hậu Trang Viên thể hiện sâu lắng trữ tình để dâng lên anh linh các anh hùng liệt sỹ, tri ân những gia đình thương bệnh binh và người có công với cách mạng.
Mở đầu khúc tráng ca là những lời gọi khắc khoải nghẹn ngào của người vợ, người bạn thủy chung vẫn bao năm đau đáu ngóng đợi các anh về. Đồng đội vẫn miệt mài bao năm tìm kiếm khắp nhân gian trong vô vọng, dù chỉ là nắm đất nấm mồ về quy tập cùng nghĩa trang nơi yên nghỉ vĩnh hằng của bao người con ưu tú đã ngã xuống cho non sông trường tồn bất diệt:
“Em gọi mãi sao không ai lên tiếng
Tháng 7 về em đến viếng nghĩa trang
Đồng đội các anh đau đáu ngóng trông
Vẫn còn thiếu 7 người trong hàng ngũ
Em gọi mãi sao không ai lên tiếng
Dòng Xa Lung nước cuốn nhẹ về xuôi
Đã bao lần đồng đội ghé về thăm
Tìm kiếm mãi các anh vẫn nơi nào...?”.
Niềm nhớ thương đến quặn lòng thương xót bỗng trào dâng của những người ở lại hôm nay khi đứng trước giữa mênh mang nơi nghĩa trang vẫn thiếu những đồng đội thân thương còn nằm lại nơi chiến trường xa vắng hư không.
Dẫu biết các anh đã bất tử trong vòng tay của đất mẹ bao dung, nhưng niềm tiếc thương vẫn sôi sục trào dâng, bật thành tiếng gào thét thật to như phá tan không gian tĩnh mịch mong muốn các anh về đoàn tụ với xóm làng, quê hương và đồng đội:
“Hãy về thôi! hãy về mau cho đông vui
Cả nước hôm nay chung niềm thương nhớ
Mong các anh về ấm áp tình làng quê”.
Nhạc sỹ Phạm Việt Long đã thành công khi thể hiện những cao trào cảm xúc đó khi không chỉ đồng điệu với tâm hồn thơ Trần Thị Lý, mà ông còn hoá thân vào người mẹ, người vợ, người bạn, người đồng đội để gieo vào khúc tráng ca những âm giai tiết tấu nhanh, mạnh và điệp khúc dồn dập. Đây cũng chính là điểm nhấn của tác phẩm.
Lặng người trong tiếng gọi hư không, nhưng không tuyệt vọng, bị quan hay ai oán, mà trái lại tác giả của Tiểu thuyết chiến trường Bê Trọc đã dẫn người nghe vào âm hưởng trầm lắng du dương trữ tình của khúc tráng ca để giãi bày tâm sự của người mẹ, người vợ, người yêu nơi hậu phương yêu dấu. Đồng thời khẳng định, Tổ quốc, quê hương và đất mẹ thân thương mãi mãi gọi tên các anh, những người anh hùng bất tử sống mãi cho non sông và trong lòng dân tộc:
“Mắt mẹ mỏi mòn bao năm đằng đẵng
Vợ ngóng chồng đã hoá đá vọng phu
Tháng 7 về mang sắc nắng mùa thu
Chiều vời vợi nhớ thương người dạ diết
Tên các anh đã hoá thành bất tử
Đi dưới quân kỳ vang mãi bản hùng ca”.
Tiếp nối những thành công sau MV nghệ thuật “Màu hoa chiến công” về đề tài tri ân các anh hùng liệt sỹ, Ca sỹ, Á hậu Trang Viên tiếp tục thể hiện sâu lắng trữ tình ca khúc “Gọi mãi tên anh” của Nhạc sỹ Phạm Việt Long. Cô cùng Đạo diễn nghệ thuật Anh Quân, nhà báo Vương Xuân Nguyên và cộng sự đã kịp cho ra mắt MV Nghệ thuật “Khúc tráng ca: Gọi mãi tên anh” nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2022).