Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ năm, 08/08/2024 13:33 (GMT+7)

Không chủ quan với sốt xuất huyết

Theo dõi GĐ&PL trên

Mưa nhiều trong những ngày qua khiến muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết sinh sôi, làm gia tăng người mắc căn bệnh này và phải nhập viện với biến chứng nguy hiểm.

Tình hình sốt xuất huyết tại Hà Nội

Theo nhận định của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Thủ đô, dịch sốt xuất huyết có xu hướng tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Tháng 7 vừa qua, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai liên tục tiếp nhận những ca sốt xuất huyết Dengue nặng, diễn biến phức tạp với nhiều dấu hiệu cảnh báo và biến chứng nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao.

Bệnh nhân nam, 25 tuổi (Hoàng Mai, Hà Nội) sau sốt xuất huyết 5 ngày nhập viện với tình trạng suy gan nặng, tiểu cầu tụt nhanh, máu cô đặc. Trường hợp khác còn khá trẻ ở Hoài Đức, Hà Nội cũng vào viện sau sốt 5 ngày, vào viện trong tình trạng nặng, cô đặc máu, da lạnh ẩm, mạch nhanh.

Nhờ nỗ lực điều trị tích cực, các bệnh nhân đã dần bình phục và có thể xuất viện trong một vài ngày tới.

Không chủ quan với sốt xuất huyết
Bác sĩ theo dõi, điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết. https://suckhoeviet.org.vn/.

Tuy nhiên, có trường hợp nhập viện muộn, tiên lượng xấu, chủ yếu ở người cao tuổi, có bệnh nền.

Bệnh nhân T.T.S. (nữ, 62 tuổi, Đan Phượng, Hà Nội), vào viện sau gần 1 tuần xuất hiện sốt cao từng cơn, mệt mỏi, đau mỏi người, ăn kém. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, viêm khớp dùng thuốc giảm đau thường xuyên và được chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue nặng.

Sau 1 ngày nhập viện, tình trạng bệnh nhân diễn biến xấu, tiểu cầu giảm mạnh, men gan tăng cao, suy gan. Bệnh nhân phải đặt ống nội khí quản, thở máy, lọc máu liên tục và điều trị thêm kháng sinh. Tuy nhiên tình trạng nặng do suy đa tạng nên nguy cơ tử vong rất cao.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, điều khác biệt trong mùa sốt xuất huyết năm nay là khu vực ngoại thành như Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ… và các địa phương như Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình… có vẻ như xảy ra sớm và nặng hơn mọi năm.

Theo báo cáo của CDC Hà Nội, sốt xuất huyết liên tục tăng từ tháng 7 đến nay, mỗi tuần có gần 200 người mắc, các huyện ghi nhận nhiều ca mắc nhất là Đan Phượng, Hà Đông, Thạch Thất, Phúc Thọ. Vào năm 2023, đỉnh dịch sốt xuất huyết được ghi nhận tại Hà Nội với các ổ dịch kéo dài, trong đó có huyện Đan Phượng và tại đây cũng có nhiều ca mắc sốt xuất huyết nặng, biến chứng. Tuy nhiên, năm 2024, dịch sốt xuất huyết vẫn tiếp tục gia tăng tại Hà Nội với số ca mắc từ đầu năm đến nay là 1.579 trường hợp, cao hơn so với cùng kỳ năm 2023. Hầu như tuần nào Hà Nội cũng ghi nhận thêm các ổ dịch mới; có tuần toàn thành phố có hơn 20 ổ dịch đang hoạt động. Ở nhiều lán, công trường thi công tồn tại nhiều vật dụng chứa nước là ổ của bọ gậy nhưng chưa được xử lý. CDC Hà Nội đã cử đội chống dịch cơ động giám sát điều tra, xử lý ổ dịch tại các địa điểm: Phúc Thọ, Đan Phượng, Phú Xuyên, Thanh Xuân, Thanh Trì.

Tình hình sốt xuất huyết tại các tỉnh phía Nam

Theo ghi nhận của ngành y tế ba tỉnh Tiền Giang, Long An, Bến Tre, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận hàng trăm ổ dịch sốt xuất huyết tại các khu dân cư làm nhiều người phải nhập viện.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Tiền Giang, từ đầu tháng 7, toàn tỉnh ghi nhận 665 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 193 ổ dịch sốt xuất huyết tại 11 huyện, thị xã, thành phố, không có ca tử vong. Tình hình dịch sốt xuất huyết 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát tốt.

Tuy nhiên, trong những tháng còn lại của năm, số ca mắc mới có thể tăng vì đang là mùa mưa, đây là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của muỗi truyền bệnh.

Không chủ quan với sốt xuất huyết
Phun hóa chất diệt muỗi phòng sốt xuất huyết. https://suckhoeviet.org.vn/.

Tại Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu (tỉnh Bến Tre), sức khỏe của cháu N.N.T.N., đã dần ổn định sau thời gian điều trị bệnh sốt xuất huyết.

Người nhà bệnh nhi cho biết, bé sốt hai ngày liên tục và kèm theo tiêu chảy, bác sĩ chỉ định xét nghiệm máu, phát hiện dương tính với sốt xuất huyết.

Sau sáu ngày điều trị, sức khỏe bé ổn nên sẽ được xuất viện. Ngay sau khi có thông tin ca bệnh tại ấp Tiên Chánh, xã Tiên Long, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre; trạm y tế xã Tiên Long cùng chính quyền địa phương đã nhanh chóng thực hiện các giải pháp xử lý ổ dịch.

Phó trưởng Trạm y tế xã Tiên Long Hồ Văn Phước cho biết: Lực lượng y tế tiến hành phun hóa chất diệt muỗi, diệt loăng quăng, dọn dẹp vệ sinh môi trường chung quanh khu vực xuất hiện ổ dịch trong bán kính 200m.

Trạm y tế xã Tiên Long phối hợp với hội phụ nữ, đoàn thanh niên thực hiện “Ngày thứ bảy không có loăng quăng” nhằm tuyên truyền, vận động người dân diệt loăng quăng, vệ sinh môi trường để phòng sốt xuất huyết.

Bác sĩ Võ Ngọc Hạnh, cán bộ Trung tâm Y tế huyện Châu Thành cho biết: Trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn huyện ghi nhận 12 ổ dịch sốt xuất huyết được xác minh, xử lý trong vòng 48 giờ theo đúng quy định, không để dịch lan rộng, kéo dài.

Đến nay, đã ghi nhận 18 ca sốt xuất huyết, giảm ba ca so với cùng kỳ năm 2023. Công tác phòng chống sốt xuất huyết được sự quan tâm, chỉ đạo của chính quyền địa phương, ý thức của người dân được nâng lên thông qua các cuộc họp tổ nhân dân tự quản, thông tin tuyên truyền trên đài truyền thanh, mạng xã hội...

Thời gian tới, dịch sốt xuất huyết có xu hướng tăng, ngành y tế thực hiện các giải pháp phòng chống như: tuyên truyền, vận động người dân diệt loăng quăng, vệ sinh môi trường và nhất là khi có các triệu chứng nghi ngờ sốt xuất huyết phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời, không tự ý điều trị tại nhà...

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Bến Tre ghi nhận 143 ca mắc sốt xuất huyết gồm 83 ổ dịch tại tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn, giảm 51,2% số ca mắc so với cùng kỳ và không ghi nhận ca tử vong.

Trong 6 tháng qua, toàn tỉnh Long An đã ghi nhận khoảng 650 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong số đó có 20 ca mắc bệnh nặng, giảm 79,8% so với cùng kỳ; chưa ghi nhận ca bệnh tử vong.

Tại các tỉnh Tiền Giang, Long An, Bến Tre đều ghi nhận số ổ dịch và ca mắc sốt xuất huyết thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023. Tuy vậy, ngành y tế các địa phương khuyến cáo người dân không được chủ quan, lơ là với loại bệnh này.

Giám đốc CDC tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Định cho biết: Hiện nay, đang vào cao điểm mùa mưa, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết có chiều hướng gia tăng.

Ngành y tế đang tập trung theo dõi và chỉ đạo thực hiện phun hóa chất diệt muỗi chủ động diện rộng; chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị y tế có liên quan tăng cường công tác giám sát, không để bỏ sót ca bệnh, báo cáo đúng hạn, đầy đủ để có thể phát hiện và xử lý ổ dịch kịp thời, không để lan ra diện rộng.

Ngành y tế đã lập kế hoạch, theo dõi chặt chẽ và thực hiện nhiều giải pháp để phòng ngừa sốt xuất huyết. Tổ chức tập huấn giám sát phòng chống sốt xuất huyết cho cán bộ y tế xã ở chín huyện, thành phố và ban hành công văn tăng cường giám sát lấy mẫu xét nghiệm.

Đồng thời, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên toàn tỉnh qua hệ thống giám sát dịch bệnh truyền nhiễm cũng như báo cáo từ tuyến dưới, vẽ biểu đồ theo dõi xu hướng của bệnh sốt xuất huyết để có thể kịp thời đưa ra các biện pháp xử lý phù hợp...

Hiện nay ở Việt Nam chưa có vaccine cũng như chưa có thuốc đặc trị cho sốt xuất huyết Dengue. Nếu người dân có dấu hiệu sốt cao đột ngột, liên tục không giảm, đau đầu, đau mỏi người, cần phải đến cơ sở y tế thăm khám, xét nghiệm, không tự ý điều trị và truyền dịch tại nhà. Khi bị sốt có thể uống Paracetamol để hạ sốt và làm dịu cơn đau, tuyệt đối không uống Aspirin hoặc lbuprofen vì hai thuốc này có thể tăng nguy cơ xuất huyết.

Cùng chuyên mục

Đồng Nai ghi nhận ca bệnh từ vi khuẩn Whitmore đầu tiên
Thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, đến ngày 3/9, tình trạng sức khỏe của bệnh nhi T.T.D.M., (14 tuổi, ngụ xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) bị nhiễm vi khuẩn Burkholderia pseudomallei, là vi khuẩn gây bệnh Whitmore đã ổn định và đang tiếp tục điều trị theo phác đồ, dự kiến 2 tuần nữa bệnh nhi được xuất viện. Đây là ca bệnh nhiễm vi khuẩn Whitmore đầu tiên ghi nhận ở Đồng Nai.

Tin mới