Khả năng thuốc điều trị HIV hiệu quả chỉ với 40 USD
Ngày 23/7, một nghiên cứu mới cho thấy, một loại thuốc kháng virus thế hệ mới được dùng để điều trị cho bệnh nhân HIV có tên là Lenacapavir - có khả năng giúp con người chữa trị thành công 'căn bệnh thế kỷ'.
Theo một nghiên cứu mới đây, Lenacapavir - thuốc kháng vi rút thế hệ mới được dùng để điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV - có thể được sản xuất với giá thấp hơn 1.000 lần so với hiện nay, từ 42.250 USD giảm xuống chỉ còn 40 USD.
Nghiên cứu được trình bày tại Hội nghị AIDS quốc tế lần thứ 25, diễn ra từ ngày 22 đến 26-7 tại thành phố Munich, Đức.
Cho đến nay, thế giới chưa có vắc xin ngừa HIV. Tuy nhiên các nhà khoa học đã cho ra đời thuốc phòng bệnh trước khi phơi nhiễm (PrEP), cho phép mọi người tự bảo vệ mình.
Một bước đột phá gần đây là việc Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt loại PrEP mới là Lenacapavir, được Công ty dược Gilead Sciences tiếp thị dưới tên Sunlenca, dùng trong điều trị những trường hợp mà các loại thuốc HIV khác không hiệu quả hoặc không phù hợp.
Người điều trị cần tiêm Lenacapavir mỗi 6 tháng, khác xa với lượng thuốc hằng ngày mà nhiều người nhiễm HIV phải uống.
Một thử nghiệm lâm sàng thuốc Lenacapavir tập trung vào những nhóm nhiễm HIV hay bị bỏ qua như phụ nữ dị tính và người tiêm ma túy đã được công bố vào đầu năm 2024. Ngoài ra, hãng dược Gilead cũng công bố kết quả thử nghiệm trên 5.000 người tại Uganda và Nam Phi. Tiến sĩ Linda-Gail Bekker, một trong những nhà nghiên cứu chính, cho biết "hiệu quả đạt 100%".
Những phụ nữ trẻ tham gia thử nghiệm cho rằng tiêm Lenacapavir 6 tháng/lần mang lại hiệu quả vượt trội hơn 2 loại PrEP hiện đang được sử dụng hiện nay, bao gồm một dạng viên uống hằng ngày và một loại PrEP cần tiêm mỗi 2 tháng/lần.
Nhưng Lenacapavir có một nhược điểm lớn, đó là quá đắt đỏ.
Theo nghiên cứu trên, dù chưa được bình duyệt bởi các chuyên gia và kiểm tra trước khi công bố, số tiền để sản xuất loại thuốc này trong một năm có thể có giá chỉ 40 USD, thấp hơn 1.000 lần so với giá hiện tại. Mức giá này dựa trên khối lượng sản xuất để điều trị cho 10 triệu người.
Nghiên cứu mới được công bố chỉ một ngày sau khi Giám đốc điều hành UNAIDS, bà Winnie Byanyima, kêu gọi tập đoàn Gilead "làm nên lịch sử" với việc đưa Lenacapavir vào Tổ chức Bằng sáng chế Thuốc (MPP) do Liên hợp quốc hậu thuẫn, cho phép phiên bản mới với giá rẻ hơn của thuốc này được cấp phép bán ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
Về phần mình, công ty Gilead chưa tiết lộ sẽ tính phí như thế nào ở các nước đang phát triển, hoặc những quốc gia có thể tiếp cận được các phiên bản mới của Lenacapavir.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm ngoái, thế giới ghi nhận khoảng 1,3 triệu ca nhiễm mới, tăng 100.000 ca so với năm 2022. Dù giảm đáng kể so với mức đỉnh 3,3 triệu ca vào năm 1995, song xu hướng dài hạn vẫn còn cách xa mục tiêu của Chương trình Phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) là giảm xuống 330.000 ca nhiễm mới vào năm 2025.