Indonesia đẩy mạnh nỗ lực chẩn đoán ung thư sớm
Ngày 4/2, Thứ trưởng Bộ Y tế Indonesia Dante Saksono Harbuwono cho biết chính phủ nước này đã công bố Kế hoạch hành động quốc gia về ung thư 2024–2034 trên cơ sở xem xét tỷ lệ các ca bệnh gia tăng và gánh nặng phát sinh đối với ngành y tế.
Thứ trưởng Harbuwono nêu rõ ung thư là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn cầu. Tại Indonesia, mỗi năm ghi nhận khoảng 408.660 ca bệnh mới và 242.980 ca tử vong. Do đó, kiểm tra sức khỏe thường xuyên là một bước quan trọng để tầm soát ung thư. Kế hoạch hành động quốc gia giai đoạn 2024-2034 ưu tiên xử lý 4 loại ung thư, bao gồm xóa sổ ung thư cổ tử cung và giảm mức độ nghiêm trọng của ung thư vú, phổi, ruột kết. Trong kế hoạch này còn có Chương trình phòng ngừa sớm thông qua chương trình sàng lọc sức khỏe miễn phí từ năm nay. Bên cạnh đó, Chính phủ Indonesia cũng đang phát triển một mạng lưới và chỉ định Bệnh viện Ung thư Dharmais là đơn vị chăm sóc ung thư quốc gia.
Đáng chú ý, Chương trình hành động quốc gia đến năm 2030 về loại trừ ung thư cổ tử cung đề ra mục tiêu khoảng 90% phụ nữ trong độ tuổi 15 sẽ được tiêm vaccine và 75% tất cả phụ nữ trong độ tuổi từ 30-69 được sàng lọc bằng xét nghiệm hiệu suất cao (DNA HPV).
Theo Thứ trưởng Harbuwono, nếu không thực hiện các biện pháp phòng ngừa sớm, số ca mắc ung thư có thể tăng hơn 70%, gây gánh nặng cho ngành y tế, xã hội và cộng đồng. Trong khi đó, Người đứng đầu Cơ quan Phòng ngừa và Kiểm soát các bệnh không lây nhiễm (thuộc Bộ Y tế), bà Siti Nadia Tarmizi nêu bật tầm quan trọng của kế hoạch hành động quốc gia nói trên trong việc chẩn đoán sớm ung thư, nhằm hạn chế số ca mắc bệnh ở giai đoạn muộn và giảm chi phí điều trị.
Ung thư là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3, sau đột quỵ và bệnh tim. Dữ liệu từ công ty bảo hiểm y tế quốc gia (BPJS Health) cho thấy năm 2023, chi phí điều trị ung thư tại Indonesia là 5.900 tỷ Rupiah Indonesia (348 triệu USD), khiến ung thư trở thành vấn đề sức khỏe gây tốn kém cao thứ hai tại nước này. Ngoài ra, tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân ung thư trưởng thành vẫn ở mức 70%. Trong khi đó, ở trẻ em, gần 70-80% trường hợp mắc ung thư tử vong do phát hiện bệnh ở giai đoạn 3 hoặc 4.