Hơn 6.100 tỷ đồng đầu tư tuyến Cao tốc Mỹ An-Cao Lãnh giai đoạn 1
Bộ Giao thông Vận tải vừa phê duyệt đầu tư hơn 6.100 tỉ đồng cho dự án xây dựng cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh giai đoạn 1 dài 27 km thuộc cao tốc Bắc-Nam phía Tây (CT.02).
Theo đó, dự án đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1 được Bộ Giao thông vận tải giao Ban quản lý dự án Mỹ Thuận làm chủ đầu tư, với mục tiêu từng bước hoàn thiện tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây.
Cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh dài khoảng 26,6km; điểm đầu kết nối với tuyến đường N2 tại km 96+875 thuộc thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp; điểm cuối tại nút giao An Bình (đầu cầu Cao Lãnh) thuộc huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
Từ điểm kết nối với tuyến đường N2 (km 96+875 của tuyến N2) cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh đi theo hướng tây, tránh về phía bắc thị trấn Mỹ An, vượt đường tỉnh 845 và kênh Tư Mới.
Sau đó, tuyến đi gần song song với kênh Nguyễn Văn Tiếp A, đến cuối phạm vi quy hoạch của thị trấn Tháp Mười tuyến rẽ trái theo hướng tây nam để vượt kênh Nguyễn Văn Tiếp A và đường tỉnh 846 (địa phận xã Mỹ Đông).
Tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh tiếp tục đi thẳng theo hướng tây nam và vượt đường tỉnh 847 tại khu vực cầu Đập Đá (địa phận xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh).
Tuyến rẽ trái để vượt sông Cần Lố và kết nối vào điểm đầu của cầu Cao Lãnh (nút giao An Bình).
Giai đoạn 1, cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh được đầu tư phân kỳ với quy mô nền đường rộng 17m, 4 làn xe; bố trí không liên tục các đoạn dừng xe khẩn cấp với khoảng cách 4 -5km/vị trí. Đường gom được xây dựng với bề rộng nền đường tối thiểu 5m.
Dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 4 tuy được đầu tư quy mô 4 làn xe hạn chế nhưng thực hiện giải phóng mặt bằng với quy mô 6 làn xe hoàn chỉnh theo quy hoạch.
Tổng diện tích đất thu hồi khoảng 165ha.
Cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh có 17 cầu và 4 nút giao với các tuyến đường khác gồm: quốc lộ N2, đường tỉnh 846, cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, An Bình.
Tổng mức đầu tư của dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh là 6.127 tỉ đồng.
Trong đó, vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc (thông qua Quỹ Hợp tác Phát triển Kinh tế-EDCF) khoảng hơn 4.462 tỷ đồng (tương đương hơn 188 triệu USD). Nguồn vốn này sẽ được sử dụng để thanh toán chi phí xây dựng, thiết bị; chi phí tư vấn giám sát thi công (không bao gồm thuế giá trị gia tăng); dự phòng phần vốn ODA.
Vốn đối ứng dành cho dự án khoảng hơn 1.665 tỷ đồng, được sử dụng để thanh toán thuế giá trị gia tăng (phần chi phí xây dựng, thiết bị; chi phí tư vấn giám sát thi công); chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn trong nước như chi phí khảo sát, lập dự án đầu tư; chi phí tư vấn khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật; thẩm tra thiết kế kỹ thuật, chi phí thẩm tra, quyết toán dự án hoàn thành, chi phí khác… theo các quy định hiện hành; chi phí giải phóng mặt bằng; dự phòng phần vốn đối ứng, phí dịch vụ.
Bộ Giao thông Vận tải cũng đưa ra tiến độ thực hiện dự án 5 năm kể từ ngày thỏa thuận vay có hiệu lực.