Hôm nay Quốc hội sẽ thảo luận và cho ý kiến về 3 dự án luật
Quốc hội sẽ dành thời gian trên hội trường để thảo luận về dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi); thảo luận ở tổ về Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), Luật Cảnh vệ.
Hôm nay, Quốc hội bước vào ngày làm việc thứ năm của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV với nhiều báo cáo, giải trình. Dự kiến, trong phiên làm việc buổi sáng, Quốc hội sẽ dành thời gian trên hội trường để nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội sẽ thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi); Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Phiên làm việc buổi chiều tiếp tục với thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).
Trước đó, tại phiên họp thứ 30 (tháng 2/2024) vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi). Đây là dự án Luật đã được Quốc hội thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) và sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7 này. Thảo luận về dự thảo Luật Lưu trữ sửa đổi, các đại biểu đề nghị dự thảo luật cần hoàn thiện thêm các quy định về Tài liệu Số và Chuyển đổi Số trong hoạt động lưu trữ.
Theo Thông báo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành quy định thời hạn nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử là 05 năm kể từ năm tài liệu được nộp vào lưu trữ hiện hành, áp dụng thống nhất cho cả tài liệu giấy và tài liệu số.
Bên cạnh đó, Luật Cảnh vệ năm 2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018, qua 5 năm triển khai thực hiện, bên cạnh những kết quả tích cực vẫn còn một số vướng mắc, bất cập. Chính vì thế, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn qua 05 năm thi hành, giải quyết các bất cập, vướng mắc của pháp luật về cảnh vệ, bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống pháp luật về cảnh vệ phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật để thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tăng cường công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các giấy tờ không cần thiết nhằm bảo đảm phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức và người dân; tạo hành lang pháp lý vững chắc trong công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về lĩnh vực này; đồng thời khắc phục những bất cập, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thi hành, áp dụng luật thời gian qua.
Theo đó, dự thảo Luật Chính phủ trình đã sửa đổi 54/76 điều, bổ sung 01 điều, bỏ 03 điều so với Luật hiện hành, cơ bản kế thừa các nội dung đã được điều chỉnh trong Luật hiện hành và phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, thống nhất trong hệ thống pháp luật, tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.