Hateco Xuân Phương: Gần một năm, 7 lần mất nước? (Bài 1)
Từ tháng 8/2019 đến tháng 7/2020, chung cư Hateco Apollo Xuân Phương có đến 7 lần mất nước khiến cuộc sống cư dân vô cùng khốn khổ.
11 tháng, 7 lần mất nước
Mới đây, Môi trường và Đô thị Việt Nam nhận được Đơn yêu cầu của các cư dân đang sinh sống tại chung cư Hateco Apollo Xuân Phương (gọi tắt là Hateco Xuân Phương) về việc làm rõ nguyên nhân và giải quyết dứt điểm các vấn đề còn tồn đọng tại chung cư này.
Theo đơn yêu cầu, các cư dân đưa ra 4 vấn đề bất cập tại chung cư Hateco Xuân Phương, trong đó vấn đề làm rõ nguyên nhân và xử lý dứt điểm tình trạng mất nước được đưa lên hàng đầu.
Khu chung cư Hateco Apollo Xuân Phương (phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) do Tập đoàn Hateco (Hateco Group) làm chủ đầu tư được quảng cáo là một "bản giao hưởng thiên nhiên". Tuy nhiên, hiện nay, các cư dân đang nói với nhau đây là “bản giao hưởng…mất nước”.
Cụ thể, đơn yêu cầu của cư dân thể hiện sự bức xúc: “Chúng tôi là cư dân của Hateco Xuân Phương. Sau gần một năm bực bội, bức xúc và đầy bất an, lạc lõng giữa “Bản giao hưởng từ thiên nhiên” do Hateco Group dàn dựng, không thể tiếp tục là những con rối đáng thương và vô hại trong tâm thức của những người có quyền hạn, chức vụ tại Hateco Group”.
Theo các cư dân, kể từ khi chủ đầu tư bàn giao nhà cho Cư dân– tháng 8/2019, Hateco Apollo đã trải qua ít nhất 7 lần mất nước sinh hoạt. Họ cho rằng, việc mất nước được diễn ra liên tục, bất thường nhưng không có bất kỳ phương án xử lý triệt để từ phía Hateco Group, mặc dù cư dân luôn trong tâm thế đối thoại thiện chí, hợp tác, chia sẻ.
Các cư dân liệt kê, trước thời điểm 20/11/2019, họ đã phải trải nghiệm 2 lần mất nước. Tuy nhiên, cư dân nói rằng họ không mổ xẻ sự cố mất nước ở giai đoạn này bởi chia sẻ với những khó khăn của chủ đầu tư, của đơn vị quản lý vận hành khi chung cư ở giai đoạn đầu thực hiện việc bàn giao cho cư dân sử dụng.
Ngày 23/9/2019, giữa trưa nắng nóng, hàng chục cư dân vẫn tập trung mang xô, chậu... thậm chí là cả bình đựng nước uống xuống sảnh tầng 1 chung cư để lấy nước về sử dụng. |
“Tuy nhiên, đáp trả lại sự đồng cảm của chúng tôi, Hateco Group để xảy ra hàng loạt những sự cố mất nước tiếp theo mà thật khó khăn để Cư dân có thể chấp nhận, cụ thể: Lần mất nước thứ ba, Chúng tôi được thông báo sẽ mất nước từ ngày 20/11/2019 và đến ngày 21/11/2019 sẽ có nước trở lại. Tuy nhiên, Cư dân phải đợi đến 11h ngày 24/11/2019 mới được sử dụng những giọt nước đầu tiên”, đơn yêu cầu của các cư dân nhấn mạnh.
Hơn nữa, nhiều người cho biết, họ vô tình trở thành những gã hề, không thể xoay sở khi Ban quản lý thông báo một đằng, thực tế mất nước lại diễn biến theo một nẻo.
Lần mất nước thứ tư, Ban quản lý thông báo thời gian mất nước từ 18h00 ngày 14/1/2019 đến 3h00 ngày 15/1/2019. Nhưng đến tối ngày 15/1/2020, Hateco Apollo vẫn chưa có nước để sử dụng.
Lần mất nước thứ năm, Ban quản lý thông báo thời gian mất nước từ 22h00 ngày 19/12/2019 đến 5h00 ngày 20/12/2019 và tất nhiên, thời điểm cấp nước trở lại sau đó cũng không đúng với lịch thông báo từ Ban quản lý tòa nhà.
Lần mất nước thứ sáu, Ban quản lý thông báo mất nước từ 22h00 ngày 29/5/2020 đến 2h00 ngày 30/5/2020 và cũng không có gì khác biệt so với những lần trước, thời điểm Các cư dân được cấp nước trở lại cũng không đúng theo những nội dung họ được thông báo.
Lần mất nước thứ bảy – lần mất nước diễn ra tại thời điểm gần đây nhất, Ban quản lý thông báo thời gian mất nước từ 11h00 ngày 8/7/2020 đến 18h30 ngày 8/7/2020. Tuy nhiên, như một thói quen, cư dân lại nơm nớp, thụ động đợi chờ, và đến giữa đêm ngày 10/7/2020, nước mới được cấp trở lại.
“Như vậy, Hateco Group đã vi phạm nghĩa vụ cung cấp ổn định dịch vụ cấp nước cho các khách hàng sử dụng nước về chất lượng nước, áp lực, lưu lượng và tính liên tục theo quy chuẩn kỹ thuật, quy định tại khoản 1 Điều 58 Nghị định 117/2007/NĐ-CP về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch”, các cư dân khẳng định.
Theo các cư dân, xen kẽ giữa nhiều lần xảy ra sự cố mất nước, họ đều yêu cầu chủ đầu tư và Ban Quản lý Tòa nhà giải thích lý do và đưa ra phương án xử lý dứt điểm (ghi nhận tại nội dung cuộc họp ngày 23/11/2019, 23/5/2020). Tuy nhiên, là đơn vị có nghĩa vụ xử lý sự cố, khôi phục việc cấp nước (theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 55 Nghị định 117/2007/NĐ-CP) nhưng chủ đầu tư không những che đậy, lấp liếm các thông tin mà còn luôn đùn đẩy trách nhiệm cho đơn vị cung cấp nước sạch (Viwaco). Và các phương án đề xuất, thực hiện của chủ đầu tư cũng chỉ mang tính chất tạm thời, trước mắt khiến vấn đề mất nước tại Hateco Apollo vẫn chưa được giải quyết.
“Thượng đế” khóc dở mếu dở ở "bản giao hưởng thiên nhiên"
Các cư dân bức xúc: “Chỉ khoảng một năm kể từ thời điểm Cư dân về sinh sống, Hateco Apollo gặp sự cố mất nước ít nhất là 7 bảy lần, một tần suất khủng khiếp khi sự cố mất nước diễn ra ngay tại một quận của thủ đô Hà Nội vào thời điểm những năm 2019 – 2020. Vẫn biết Hateco Group là một tổ chức kinh tế, một trong những mục tiêu hoạt động là vì lợi nhuận. Tuy nhiên, khi nhu cầu sử dụng nước là nhu cầu thiết yếu của con người trong cuộc sống, mà tình trạng mất nước liên tục xảy ra đã và đang xâm phạm đến nhu cầu cơ bản của con người, ảnh hưởng trực tiếp, nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe của chúng tôi.
Đặc biệt, tình trạng mất nước lại xảy ra nhiều ngày dưới cái nắng nóng được các cơ quan khí tượng thủy văn nhận định là kỷ lục trong rất nhiều năm qua. Là chủ thể phải chịu trách nhiệm, giải quyết vấn đề nhưng Chúng tôi không thấy Hateco Group có bất kỳ động thái nào để cải thiện, khắc phục hay xử lý triệt để, những vị quản lý của chủ đầu tư còn không ngần ngại cắt liên lạc với chúng tôi, tất cả đều biểu hiện ở một trạng thái duy nhất, được lặp đi lặp lại là im lặng, bỏ mặc”.
Ngày 24/7/2020, Công ty Cổ phần tập đoàn Hateco đã có văn bản số 101/2020/CV-HTC gửi các cư dân Hateco Xuân Phương.
Theo chủ đầu tư, hệ thống cấp nước của tòa nhà đã được tính toán, thiết kế phù hợp với các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành. Hạng mục này đã được Cục quản lý hoạt động xây dựng – Bộ Xây dựng thẩm định.
Về nguyên nhân dẫn đến mất nước, công ty này khẳng định: “Có một sự thật không thể thay đổi đó là chất lượng đường ống cấp nước từ nhà máy nước sạch Sông Đà về phân phối cho các công ty cấp nước sạch tại Hà Nội (trong đó có công ty Viwaco, là đơn vị trực tiếp cấp nước sạch Hà Nội cho dự án Hateco Xuân Phương) là rất kém. Quý cư dân và chúng tôi đang phải chịu ảnh hưởng của hệ thống kém chất lượng này”.
Về phương án, chủ đầu tư đưa ra “biện pháp” bố trí 4-6 bồn nước dự trữ đặt tại các vị trí cố định và có hệ thống đường ống phù hợp cấp nước tại tầng 1 các tòa nhà. Khi mất nước, Ban QLTN bật chế độ tiết kiệm thì cư dân không bố trí được thời gian trữ nước vẫn có thể lấy nước sử dụng.
Sau khi đọc được văn bản trả lời của Hateco Group anh Q.T (một cư dân đang sống tại chung cư Hateco Xuân Phương) cười chua chát: “Tưởng phương án thế nào, hóa ra lại quay trở về với ngày tháng xuống tầng 1 xách nước đến to tay lên tầng 25. Sống giữa thủ đô sao khổ thế này”.
Khách hàng lo lắng khi “xuống tiền” tại Hateco Laroma cũng của Hateco Group
Trước hàng loạt lùm xùm liên quan đến mất nước tại chung cư Hateco Xuân Phương, nước bẩn, thiếu hụt diện tích tại Hateco Hoàng Mai, nhiều khách hàng đang tỏ ra băn khoăn khi tìm hiểu dự án Hateco Laroma.
Chị Lê Thơm (quê Tuyên Quang, đang làm việc tại Hà Nội) cho hay, gia đình chị đang tìm hiểu căn 2 phòng ngủ hơn 80 m2 tại chung cư Hateco Laroma (quận Đống Đa, Hà Nội).
Sau những lùm xùm của chủ đầu tư, khách hàng đang đắn đo khi xuống tiền mua nhà tại Hateco Laroma. Ảnh: Internet. |
“Dự án này nằm ở vị trí khá tiện với công việc của vợ chồng tôi. Tuy nhiên, đọc báo thấy chủ đầu tư của chung cư này dính khá nhiều lùm xùm tôi cũng đang băn khoăn. Tôi có một người bạn đang sống ở Hateco Xuân Phương, chứng kiến cảnh họ khốn khổ vì mất nước tôi thấy nản quá. Nhỡ sau này Hateco Laroma cũng mất nước thì sẽ làm đảo lộn cuộc sống. Bởi các công ty nước đều khẳng định việc mất nước, nước bẩn là do đường ống của chủ đầu tư có vấn đề”, chị Thơm nói.
Cùng quan điểm, chị Thùy An (quê Nghệ An, đang làm việc tại Hà Nội) nói rằng sẽ gác lại việc mua nhà tại Hateco Laroma để tìm hiểu thêm các dự án khác. Chị An lo lắng: “Chung cư này khá đắt, lên đến gần 60 triệu đồng/m2. Mua rồi ổn định thì không sao lỡ xảy ra sự cố như hụt diện tích, mất nước thì đúng là tiền mất tật mang. Tôi sẽ xem thêm một vài dự án khác rồi quyết định”.
Trước đó, theo báo Tuổi trẻ Thủ đô, Sở Xây dựng Hà Nội đã công bố danh sách 22 dự án nhà ở thương mại đảm bảo về an ninh, quốc phòng cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu trên địa bàn TP Hà Nội. Theo danh sách Sở Xây dựng Hà Nội vừa công bố về các dự án cho người nước ngoài mua và sở hữu, không có dự án Hateco Laroma.
Cũng theo báo Tuổi trẻ Thủ đô, khi PV vào vai người mua chung cư cho người nước ngoài và được một người tên H tự xưng là nhân viên Công ty Cp bất động sản New Start Land, đơn vị phân phối dự án Hateco Laroma cho hay: "Dự án này có cho khách nước ngoài mua và giao dịch, các đối tượng này vẫn ký hợp đồng nhưng không được ký lâu dài như người Việt Nam.
Trên trang web của dự án Hateco Laroma cũng quảng cáo giới thiệu rằng "dự án chung cư cao cấp đáp ứng cả yêu cầu về giá cả và chất lượng dịch vụ tiện ích của người dân và người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam".
Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.
Hệ thống cấp nước không thể đảm bảo hoạt động cấp nước liên tục cho nhu cầu sử dụng nước của Cư dân? Theo nội dung đơn yêu cầu của cư dân, tại buổi làm việc ngày 23/11/2019, theo thông tin cung cấp từ chính đại diện của chủ đầu tư, hệ thống cấp nước cho các tòa nhà tại Hateco Apollo được thiết kế và thi công đảm bảo an toàn với lưu lượng sử dụng nước bình thường của mỗi tòa ở mức 200 m³ nước/ngày. Cụ thể, dung tích bể cung cấp nước cho 03 tòa chung cư Hateco Apollo gồm thể tích sử dụng bể mái là 300 m³, thể tích sử dụng bể ngầm là 960 m³ và thể tích bể cứu hỏa là 741 m³. Với tổng thể tích bể chứa cấp nước nêu trên thì lưu lượng nước vào bể chứa trung bình từ 1.000 – 1.200 m³ nước/ngày, đêm. Trong khi, với tiêu chuẩn Việt Nam về việc sử dụng nước trong ngày được tính trung bình 250 lít/người/ngày, đêm thì hệ thống cấp nước của chung cư Hateco Apollo (gồm 03 tòa, tổng 1500 căn hộ với trung bình từ 3 người sinh sống/căn hộ) phải đáp ứng trung bình 750 m³ nước/người/ngày, đêm. Chưa kể, một khối lượng rất lớn nước sinh hoạt được phân phối cho các công trình công cộng, dịch vụ như: Trường mẫu giáo, mầm non; bể bơi; nhà, công trình công cộng; các dịch vụ, thương mại; nước tưới cây, rửa đường; nước thất thoát, rò rỉ; nước phục vụ cho hoạt động của hệ thống cấp nước trong tòa nhà,... Như vậy, rõ ràng hệ thống cấp nước của chung cư Hateco Apollo không thể đảm bảo hoạt động cấp nước liên tục cho nhu cầu sử dụng nước của Cư dân theo tiêu chuẩn xây dựng 323: 2004 do Bộ Xây dựng ban hành. Và Chúng tôi cho rằng đây chính là nguyên nhân để Hateco Apollo lâm vào tình trạng hoang mạc hóa chỉ sau một vài giờ đồng hồ xảy ra sự cố mất nước từ đơn vị cung cấp nước sạch. Trong khi đó, hàng loạt các tổ chức, cá nhân khác trong khu vực và lân cận không lâm vào tình trạng mất nước như chúng tôi mặc dù cũng dùng chung nguồn cung cấp nước từ đường ống nước sông Đà như chung cư Athena, nhà máy bia Sài Gòn (Xuân Phương) và các cụm cư dân ở Phương Canh. |
Anh Văn