Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ ba, 23/01/2024 10:09 (GMT+7)

Hải Phòng: Phẫu thuật chuyển ngón chân lên thay thế ngón tay bị nghiền nát do tai nạn lao động

Theo dõi GĐ&PL trên

Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp Hải Phòng vừa tiến hành ca mổ kéo dài hơn 6 giờ đồng hồ tạo hình lại ngón tay cho một bệnh nhân.

Bệnh nhân T.V.T. (36 tuổi, trú tại Nông Cống, Thanh Hóa) sau tai nạn lao động cơ khí bị máy dập nghiền nát ngón I bàn tay phải đã được làm mỏm cụt từ tháng 7/2023. Sau phẫu thuật làm mỏm cụt mất đi ngón tay cái, bệnh nhân đau nhiều và không thể quay lại lao động.

Hải Phòng: Phẫu thuật chuyển ngón chân lên thay thế ngón tay bị nghiền nát do tai nạn lao động
Ê kíp phẫu thuật vi phẫu chuyển ngón chân lên bàn tay thay thế ngón tay cái bị cụt cho bệnh nhân T.V.T. (Ảnh: Suckhoedoisong).

Đến thăm khám tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, bệnh nhân đã được tiến hành hội chẩn bởi các bác sĩ chuyên khoa Vi phẫu tạo hình, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp và BSCKII. Nguyễn Cao Viễn, Trưởng Đơn vị Vi phẫu, Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP. Hồ Chí Minh).

Các bác sĩ đã thống nhất chuyển ngón chân lên tái tạo ngón tay cái phục hình trả lại bàn tay cho bệnh nhân.

Sau hơn 100 ca vi phẫu nối chi thể đứt rời đã thành công tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, đây là ca phẫu thuật vi phẫu tạo hình chuyển ngón chân lên tái tạo ngón tay cái thực hiện đầu tiên tại bệnh viện cũng như tại Hải Phòng.

Bệnh nhân đã được hai kíp bác sĩ tiến hành phẫu thuật đồng thời. Trong đó, kíp 1 chuẩn bị nơi nhận vạt (bàn - ngón tay phải). Phẫu tích bộc lộ phần xương khớp đốt bàn còn lại vùng nhận vạt tại ngón cái tay phải. Đồng thời, tìm gân gấp, gân duỗi dự kiến sẽ nối với gân của phần ngón chân đưa lên; tìm và bộc lộ mạch nhận gồm 1 động mạch, 2 tĩnh mạch, tìm thần kinh cảm giác.

Kíp 2 thiết kế theo đường rạch da hình chữ V và dích dắc để lấy vạt ngón chân. Lấy ngón thứ 2 bàn chân phải. Phẫu tích cuống mạch đủ dài để nối với mạch nhận; phẫu tích gân gấp, gân duỗi đính kèm với từng ngón chân. Chuyển vạt và nối mạch, kết hợp xương bằng nẹp vis, nối gân gấp - gân duỗi. Phẫu tích, chuẩn bị mạch, nối mạch máu thần kinh bằng kính vi phẫu

Sau 6 giờ đồng hồ phẫu thuật, mạch máu ngón chân được chuyển lên tái tạo ngón tay cái lưu thông tốt, búp ngón hồng căng hồi lưu mao mạch khỏe. Bệnh nhân được đặt dụng cụ bảo vệ ngón sau phẫu thuật

Sau phẫu thuật 1 ngày, ngón chân được chuyển lên tái tạo ngón tay cái của bệnh nhân đã hồi sinh có thể cử động, cảm giác được và được hướng dẫn tập phục hồi chức năng.

Là người trực tiếp tham gia quá trình phẫu thuật cùng các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, BSCKII. Nguyễn Cao Viễn – Trưởng Đơn vị Vi phẫu, Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình – Bệnh viện Nhân dân 115 (Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: Bàn tay có vai trò rất quan trọng trong lao động, đặc biệt là ngón tay cái chiếm tới 50% chức năng của bàn tay. Do đó, việc tạo hình lại ngón tay cái với những bệnh nhân bị cụt ngón cái như trường hợp của bệnh nhân T.V.T là rất cần thiết, quan trọng trong quá trình điều trị.

Theo TS.BS Nguyễn Đức Thành, Trưởng khoa điều trị yêu cầu (Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp), kỹ thuật vi phẫu chuyển ngón chân, nối ghép tạo hình thành ngón tay đảm bảo chức năng vận động, cảm giác và thẩm mỹ là rất phức tạp và là ca đầu tiên thực hiện kỹ thuật này tại BV Hữu nghị Việt Tiệp.

Với kỹ thuật này, người bệnh được tạo hình lại ngón như bình thường, bảo đảm các chức năng tốt. Do đó, việc phẫu thuật chuyển ngón chân lên tạo hình ngón tay luôn là một thử thách đối với các phẫu thuật viên, đòi hỏi các phẫu thuật viên phải có nhiều kinh nghiệm, và kiến thức chuyên môn sâu.

Đối với một bệnh nhân tạo hình ngón tay cái, ngoài mục tiêu phục hồi chức năng, cảm giác, các bác sĩ sẽ cân nhắc phương án sao cho đạt tính thẩm mỹ cao để cho ngón ghép phù hợp với các ngón khác, tương đồng với ngón cái còn lại.

Cùng chuyên mục

Tin mới