Greenland mất hơn 1 tỷ tấn băng trong 40 năm do khủng hoảng khí hậu
Dải băng Greenland đã mất 5.091 km2 diện tích và hơn 1 tỷ tấn băng từ năm 1985 đến năm 2022 do khủng hoảng khí hậu.
Đây là nghiên cứu đầu tiên ước tính đầy đủ lượng băng mà Greenland đã mất đi, đặc biệt là do băng tan. Những ước tính trước đây về sự cân bằng khối lượng băng tại Greenland (lượng băng tuyết tích tụ mỗi năm so với lượng mất đi) đã tính thấp hơn những tổn thất đó tới 20%.
Bản cập nhật gần đây nhất từ dự án đối chiếu tất cả các phép đo khác về băng ở Greenland cho thấy 221 tỷ tấn băng đã bị mất đi mỗi năm kể từ năm 2003. Nghiên cứu mới cũng chỉ ra rằng mỗi năm, Greenland mất đi 43 tỷ tấn băng, khiến tổng lượng băng bị mất đi trung bình khoảng 30 triệu tấn mỗi giờ.
Nghiên cứu mới đã sử dụng hơn 200.000 vệ tinh quan sát và công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích những thay đổi theo thời gian. Dải băng Greenland là một trong hai dải băng còn lại trên thế giới, với 82% bề mặt là băng.
Một số nhà khoa học lo ngại nguồn nước ngọt đổ vào phía bắc Đại Tây Dương này có thể đồng nghĩa với việc dòng hải lưu bị suy giảm, được gọi là hoàn lưu đảo ngược kinh tuyến Đại Tây Dương (Amoc), để lại những hậu quả nặng nề cho nhân loại.
Việc mất đi lượng băng lớn ở Greenland do nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức kỷ lục trong nhiều thập kỷ.Các kỹ thuật được sử dụng cho đến nay, chẳng hạn đo chiều cao của tảng băng hoặc trọng lượng băng thông qua dữ liệu trọng lực, rất hữu ích trong việc xác định lượng băng bị mất đi ở đại dương và khiến mực nước biển dâng cao.
Tuy nhiên, các nhà khoa học không thể giải thích được sự thu hẹp của các dòng sông băng vốn nằm chủ yếu dưới mực nước biển trong các vịnh hẹp quanh đảo.
Tiến sĩ Chad Greene, nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của Nasa ở Mỹ, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết: “Những thay đổi xung quanh Greenland là rất lớn và chúng đang diễn ra ở khắp mọi nơi. Hầu hết tất cả các sông băng đều đã tan chảy trong vài thập kỷ qua. Nếu băng tan khiến nước ngọt đổ xuống phía bắc Đại Tây Dương, thì hiện tượng Amoc sẽ suy yếu”.
Amoc được biết là đang ở mức yếu nhất trong 1.600 năm. Năm 2021, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra các dấu hiệu cảnh báo về điểm giới hạn trong biến đổi khí hậu. Một nghiên cứu gần đây cho thấy hệ thống hải lưu Amoc có nguy cơ sụp đổ ngay sau năm 2025 trong trường hợp xấu nhất. Một phần đáng kể của dải băng Greenland cũng được các nhà khoa học cho là sắp đạt đến điểm giới hạn của sự tan chảy không thể đảo ngược, với lượng băng tương đương với suy đoán mực nước biển dâng cao 1 - 2 mét.
Greenland giữ vai trò quan trọng trong hệ thống biển đại dương thế giới. Các nhà khoa học ước tính mực nước biển toàn cầu có thể tăng đến 7m nếu toàn bộ lượng băng trên đảo Greenland tan chảy.