Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ ba, 03/08/2021 14:33 (GMT+7)

Gần 300 dự án tại Hà Nội đã giao đất nhưng chậm triển khai, sử dụng sai mục đích

Theo dõi GĐ&PL trên

Tính đến tháng 5/2021, trên địa bàn TP Hà Nội có đến 287 dự án đã được giao đất nhưng chậm triển khai, vi phạm Luật đất đai. Trong đó có tình trạng chủ đầu tư cố ý sử dụng đất sai mục đích hoặc cố tình chây ỳ triển khai dự án.

Gần 300 dự án vi phạm

Đó là nhận định của thường trực HĐND TP Hà Nội sau đợt tái giám sát của Thường trực HĐND TP về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm luật đất đai trên địa bàn thành phố.

Gần 300 dự án tại Hà Nội đã giao đất nhưng chậm triển khai, sử dụng sai mục đích

Cụ thể, có 63 dự án chưa được giao đất, cho thuê đất chậm thực hiện các thủ tục đầu tư, chậm triển khai theo quyết định được phê duyệt.

Trong đó, 18 dự án cần thanh tra, kiểm tra để báo cáo UBND thành phố chấm dứt dự án theo quy định; 31 dự án chậm, tạm dừng cần điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh cơ chế thực hiện do vướng mắc giữa các Luật; 8 dự án chậm nhưng đề xuất tiếp tục triển khai và đề nghị đẩy nhanh tiến độ; 6 dự án thành phố đã có chỉ đạo giao các sở chuyên ngành kiểm tra, thanh tra, chờ thực hiện theo kết luận.

Theo thường trực HĐND TP Hà Nội, trong tổng số 287 dự án chậm tiến độ thì có 60 dự án chậm đưa đất vào sử dụng đề nghị gia hạn 24 tháng, 59 dự án chậm giải phóng mặt bằng, 20 dự án chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính, 76 dự án có các vi phạm khác…

17 Dự án kiểm tra, hậu kiểm và xử lý theo quy định của pháp luật; 16 Dự án phát sinh sau thời điểm giám sát của HĐND TP năm 2018 đến tháng 3/2021, hiện đang triển khai nhưng chậm tiến độ so với tiến độ được duyệt.

Trên cơ sở kiểm tra trực tiếp thực địa và kết quả làm việc tại các quận, huyện Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và Mê Linh, Thường trực HĐND Thành phố đã rà soát hồ sơ 4 dự án để chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan và kiến nghị UBND Thành phố giải quyết, xử lý theo quy định.

Đâu là nguyên nhân gây ra tình trạng sai phạm này?

Theo đánh giá của thường trực HĐND TP Hà Nội, nguyên nhân khách quan là quy định pháp luật về quản lý đất đai, quản lý quy hoạch, quản lý đầu tư, xây dựng còn chưa đồng bộ và chậm được tháo gỡ; một số dự án chậm triển khai do phải tạm dừng để rà soát điều chỉnh quy hoạch; một số dự án gặp khó khăn trong công tác thỏa thuận, đền bù giải phóng mặt bằng…

Mặc dù UBND TP Hà Nội đã giao nhiệm vụ cho các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã giải quyết các tồn tại, hạn chế trong xử lý vi phạm dự án chậm triển khai, vi phạm Luật đất đai nhưng kết quả đạt rất thấp. Sở Tài nguyên - môi trường và Sở Kế hoạch - đầu tư chưa kiên quyết, kịp thời, chưa làm hết trách nhiệm trong xử lý vi phạm của các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, nhiều chủ đầu tư dự án không chấp hành pháp luật đất đai, chấp hành chế độ báo cáo giám sát đầu tư, vẫn còn tình trạng cố ý sử dụng đất sai mục đích hoặc cố tình chây ỳ triển khai dự án chậm tiến độ...

Thường trực HĐND TP đề nghị UBND TP chỉ đạo các cơ quan, đơn vị theo dõi, thực hiện hậu kiểm và xử lý vi phạm đối với nhóm các dự án Đoàn giám sát kiến nghị.

Ngoài ra, UBND TP cần thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện kiểm tra, đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế của từng dự án đầu tư; trên cơ sở hồ sơ cụ thể, kiến nghị biện pháp xử lý dứt điểm với các dự án vi phạm luật đất đai, nợ nghĩa vụ tài chính kéo dài.

Thường trực HĐND TP Hà Nội cũng đã đề xuất Chính phủ tổng hợp, trình Quốc hội sửa đổi Luật đất đai đồng thời với sửa đổi các quy định liên quan của luật khác về các lĩnh vực: quy hoạch, đầu tư, đầu tư công, xây dựng, thanh tra... để đảm bảo thống nhất, đồng bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai.

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc công bố danh sách 46 dự án khu đô thị, nhà ở chậm tiến độ
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về tăng cường quản lý các dự án khu đô thị, nhà ở trên địa bàn và công khai các dự án vi phạm, chậm tiến độ, Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc vừa có báo cáo về 46 dự án trên địa bàn. 46 dự án khu đô thị, nhà ở chậm tiến độ được cập nhật đến hết ngày 29/2.
Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất thêm chính sách ưu đãi với dự án nhà ở xã hội
Để góp phần xây dựng hoàn thiện các cơ chế chính sách, pháp luật và xác định các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư đẩy mạnh triển khai, thực hiện các dự án nhà ở xã hội nhanh hơn, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho rằng cần tập trung tháo gỡ vướng mắc về mặt thủ tục, cũng như bổ sung hoặc tăng thêm chính sách ưu đãi đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội.

Tin mới

Luật Đất đai 2024: Bỏ khung giá đất - lành mạnh hóa thị trường đất đai
Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 với nhiều điểm mới so với Luật Đất đai 2013, trong đó người dân đặc biệt quan tâm đến việc bỏ khung giá đất, xác định giá theo thị trường. Đây được xem là bước đột phá lớn trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tạo nên thay đổi căn bản về các vấn đề kinh tế trong chính sách pháp luật về đất đai; làm lành mạnh hóa thị trường; hạn chế đầu cơ, tham nhũng về đất đai.
Giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông để lừa đảo
Ngày 28/3, ông Bùi Thanh Toàn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu cho biết, thời gian qua, Sở liên tục nhận được phản ánh có dấu hiệu lừa đảo khi một số đối tượng giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu gọi điện cho cán bộ lãnh đạo của một số sở, ngành, địa phương và người dân.