Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ năm, 10/06/2021 15:45 (GMT+7)

Doanh nghiệp 'qua mặt' chính quyền xây công trình khủng không phép?

Theo dõi GĐ&PL trên

Một doanh nghiệp xây dựng công trình nhà xưởng hoành tráng không phép trên diện tích hàng nghìn m2, nhưng không hề thông báo đến chính quyền sở tại.

Theo tìm hiểu, công trình nhà xưởng trên được xây dựng tại Lô CN-GD 1-2, Cụm CN Đông La, xã Đông La, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Chủ đầu tư là Công ty TNHH may KenRich (sau đây viết tắt là Công ty). Thế nhưng công trình xây dựng này bị phản ánh chưa được các cơ quan chức năng cấp giấy phép xây dựng và đề án bảo vệ môi trường.

Công trình xây dựng “khủng” của Công ty TNHH may KenRich đang trong giai đoạn hoàn thiện đưa vào sử dụng, thế nhưng đến nay công tình này vẫn chưa được cấp phép xây dựng.

Để thông tin vụ việc, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã có buổi làm việc với UBND xã Đông La. Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Chủ tịch xã cho biết: Chúng tôi cũng rất bức xúc bởi đến nay chủ đầu tư công trình này tiến hành xây dựng trên địa bàn nhưng không hề có báo cáo với chính quyền địa phương.

Cũng theo ông Tiến, từ khi doanh nghiệp này về đây xây dựng đến nay chúng tôi mới chỉ giao Công an xã kiểm tra tạm trú, tạm vắng còn các vấn đề khác thì chúng tôi không hề nắm được. Mới đây, cán bộ địa chính có phối hợp cùng với Trung tâm phát triển cụm công nghiệp Đông Hưng lên gặp chủ đầu tư để tìm hiểu sự việc, nhưng chỉ gặp được đơn vị thi công nên họ cũng không cung cấp được giấy tờ liên quan đến thủ tục pháp lý của công trình này.

Trong một diễn biến khác, PV đã liên hệ với ông Nguyễn Xuân Đán - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hưng để tìm hiểu thêm thông tin. Trao đổi qua điện thoại, ông Đán cho biết:“Công ty TNHH may KenRich xây dựng trái phép thì phía UBND huyện cũng đã nắm được. Sau khi nhận được báo cáo của công ty, huyện đã họp ngay để tới đây tham gia đoàn công tác của tỉnh thành lập để về kiểm tra, việc này do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh chủ trì”

“Về thủ tục pháp lý công trình này, thì trước đây công ty đã gửi hồ sơ lên xin phê duyệt quy hoạch và đề nghị cấp phép xây dựng nhưng vì không thuộc thẩm quyền nên chúng tôi đã trả hồ sơ”, ông Đán thông tin.

Ngoài ra, ông Đán cho biết thêm: “Khi công ty tiến hành xây dựng cũng không có báo cáo gì cả, chỉ đến khi Trung tâm phát triển quỹ đất và các phòng, ban liên quan của huyện phát hiện và lập biên bản yêu cầu đơn vị đình chỉ, tạm dừng việc thi công đồng thời yêu cầu bên quản lý đất hiện tại là bên Công ty Lam Sơn báo cáo. Tuy nhiên doanh nghiệp lấy lý do chủ đầu tư hiện tại không có mặt ở Việt Nam nên không cung cấp được thông tin như yêu cầu của UBND huyện (?!)”.

Khi PV đề nghị được tiếp cận các văn bản liên quan đến vụ việc thì ông Đán cho biết, tất cả các văn bản và công việc liên quan đến việc xây dựng công trình trên đều giao cho Trung tâm phát triển cụm công nghiệp huyện quản lý, có gì cần PV liên hệ với bên đó để làm việc cụ thể.

Tiếp đến, PV đã liên hệ với phía Trung tâm phát triển cụm công nghiệp huyện Đông Hưng, thế nhưng đại diện đơn vị này lấy lý do đang trong thời điểm dịch Covid 19 nên không làm việc trực tiếp, nên hứa sẽ cung cấp văn bản liên quan qua email. Tuy nhiên lời hứa của vị Giám đốc trung tâm này chỉ để cho có, bởi đến nay đã nhiều tuần trôi qua PV chưa nhận được bất kỳ văn bản nào như lời vị này hứa.

Việc để một công trình nhà xưởng “mọc” trái phép trên diện tích hàng ngàn m2 nằm ngay sát mặt đường quốc lộ 10, đến nay đang trong quá trình hoàn thiện và đưa vào sử dụng mà các cấp chính quyền huyện Đông Hưng nắm rất lơ mơ về hồ sơ pháp lý liên quan, và cũng không đưa ra biện pháp ngăn chặn, xử lý sai phạm thì đúng là điều bất thường.

Vụ việc xảy ra đã tạo dư luận không tốt tại địa phương, nhiều ý kiến băn khoăn đặt câu hỏi đâu là nguyên nhân sự việc, liệu có phải do năng lực quản lý nhà nước của chính quyền huyện Đông Hưng có “vấn đề” hay do chủ đầu tư công trình đang coi thường pháp luật, bỏ qua vai trò quản lý, giám sát của chính quyền sở tại.

Để ổn định tình hình an ninh trật tự tại địa phương, tránh gây bức xúc trong dư luận, thiết nghĩ UBND tỉnh Thái Bình cần vào cuộc chỉ đạo các sở, ngành liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra làm rõ những sai phạm của chủ đầu tư dự án trên, qua đó đảm bảo những hành vi vi phạm pháp luật phải được xử lý theo đúng pháp luật.

Cùng chuyên mục

Bộ Tài chính đề xuất giảm 30% tiền thuê đất năm 2024
Sau khi lấy ý kiến rộng rãi từ các bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính đã đề xuất chọn phương án giảm 30% tiền thuê đất năm 2024 vì phương án này phù hợp với tình hình diễn biến mới về kinh tế - xã hội của cả nước.
Thanh tra Chính phủ kết luận nhiều vi phạm về đất đai ở Phú Yên
Ngày 9/10, Thanh tra Chính phủ ban hành Thông báo Kết luận thanh tra 2094/TB-TTCP về trách nhiệm của UBND tỉnh Phú Yên khi để xảy ra các khuyết điểm trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; việc chấp hành chính sách pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai, khai thác cát, đất, đá, sỏi và quản lý đầu tư xây dựng.
Hà Nội sẽ công khai những người bỏ cọc đấu giá đất
Mới đây, UBND TP. Hà Nội đã ban hành văn bản gửi tới các sở, ngành, các quận, huyện, thị xã về công tác đấu giá quyền sử dụng đất. Theo đó, Hà Nội yêu cầu UBND cấp huyện lập danh sách các trường hợp trả giá cao hơn thị trường để trúng đấu giá nhưng không nộp tiền. Sau đó, danh sách này sẽ được công khai trên trang thông tin của các huyện, Sở Tài nguyên và Môi trường.
Phú Thọ: Cần giám định nguyên nhân sự cố sập cầu Phong Châu
Theo Sở GTVT tỉnh Phú Thọ, do ảnh hưởng của bão số 3 gây mưa lũ, nước sông Hồng dâng cao, lưu tốc dòng chảy xiết đã làm thay đổi địa hình, địa mạo dưới lòng sông khu vực cầu Phong Châu, kéo đổ trụ T7 làm sập 2 nhịp dàn chính của cầu vào 9/9/2024

Tin mới