Đỗ phương tiện chắn trước cửa nhà người khác có vi phạm pháp luật?
Nhằm hạn chế tối đa những tình huống đáng tiếc có thể xảy ra, tài xế nên lựa chọn vị trí đỗ phương tiện để không gây ách tắc giao thông, không làm ảnh hưởng hoạt động kinh doanh, sinh hoạt của người dân.
Việc tài xế tự ý đỗ phương tiện (đặc biệt là ô tô) chắn trước cửa nhà người dân mà không xin phép luôn là câu truyện gây nhiều tranh cãi. Việc đỗ xe bừa bãi không chỉ làm chắn lối ra vào của chủ nhà mà còn lấn chiếm một phần vỉa hè, lòng đường.
Đỗ phương tiện chắn trước cửa nhà người khác có vi phạm pháp luật?
Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Diệp Năng Bình, Đoàn Luật sư TP. HCM cho biết, Luật Giao thông đường bộ 2008, sửa đổi bổ sung 2023 quy định, dừng xe là trạng thái đứng yên tạm thời của phương tiện giao thông trong một khoảng thời gian cần thiết đủ để cho người lên, xuống phương tiện, xếp dỡ hàng hóa hoặc thực hiện công việc khác. Đỗ xe là trạng thái đứng yên của phương tiện giao thông không giới hạn thời gian.
Người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường phố phải cho xe dừng, đỗ sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi của mình; bánh xe gần nhất không được cách xa lề đường, hè phố quá 0,25m và không gây cản trở, nguy hiểm cho giao thông. Trường hợp đường phố hẹp, phải dừng xe, đỗ xe ở vị trí cách xe ô tô đang đỗ bên kia đường tối thiểu 20m. Không được dừng xe, đỗ xe trên đường xe điện, trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước. Không được để phương tiện giao thông ở lòng đường, hè phố trái quy định.
Bên cạnh đó, phải đảm bảo an toàn trước khi rời khỏi xe (có tín hiệu báo, cho xe dừng, đỗ ở nơi có lề đường rộng...). Không được đỗ xe tại các vị trí như bên trái đường một chiều, trước cổng trong phạm vi 5m hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức, tại nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe, trên miệng cống thoát nước…
"Như vậy, pháp luật không có quy định về cấm dừng xe, đỗ xe chắn trước cửa nhà dân. Tuy nhiên, nếu việc dừng, đỗ xe gây cản trở lối ra vào nhà hoặc hoạt động kinh doanh của người dân, chủ phương tiện cần trao đổi và xin phép để tránh những tình huống không mong muốn xảy ra", Luật sư Bình nêu quan điểm.
Chủ nhà gây thiệt hại về phương tiện bị xử lý thế nào?
Luật sư Bình cho biết thêm, trường hợp chủ nhà tự ý gây thiệt hại cho phương tiện đỗ chắn trước nhà thì có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật. Cụ thể, theo Bộ luật Dân sự năm 2015, người gây thiệt hại phải bồi thường đầy đủ cho chủ phương tiện về những tổn thất đã gây ra, bao gồm chi phí sửa chữa và các thiệt hại liên quan khác.
Nếu mức độ thiệt hại nghiêm trọng, hành vi có thể bị xử lý theo Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 về tội "Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản". Theo đó, nếu gây thiệt hại từ 2.000.000 đồng trở lên, hoặc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, có thể bị phạt tiền, cải tạo không giam giữ, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trường hợp thiệt hại lớn hoặc hành vi có tính chất nghiêm trọng, mức phạt tù có thể lên đến 20 năm.
Ngoài ra, chủ phương tiện có quyền trình báo cơ quan chức năng và yêu cầu xử lý nếu xảy ra tình huống này.
Nhằm hạn chế tối đa những tình huống đáng tiếc có thể xảy ra, tài xế nên lựa chọn vị trí đỗ phương tiện để không gây ách tắc giao thông, không làm ảnh hưởng hoạt động kinh doanh, sinh hoạt của người dân. Nếu việc dừng, đỗ xe có thể gây ảnh hưởng đến người khác, cần chủ động để lại số điện thoại liên lạc.