Đề xuất gia hạn gần 102 nghìn tỉ tiền thuế, tiền thuê đất
Tổng số thuế dự kiến gia hạn năm nay gần 102.000 tỉ đồng, theo Bộ Tài chính. Các khoản thuế này phải nộp chậm nhất vào ngày 31/12 nên sẽ không làm giảm thu ngân sách.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2025.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm nay.
Đối với thuế VAT, Bộ Tài chính đề xuất gia hạn 6 tháng đối với số thuế của tháng 2, tháng 3 và quý I; gia hạn 5 tháng với số thuế tháng 4, tháng 6 và quý II. Tổng số thuế VAT gia hạn là khoảng 62.000 tỉ đồng.
Với thuế thu nhập doanh nghiệp, Bộ này đề nghị gia hạn 5 tháng đối với số thuế tạm nộp của quý I và quý II kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm nay. Ước tính số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp quý I và quý II của kỳ tính thuế năm nay được gia hạn khoảng 36.000 tỉ đồng.
Với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, để tháo gỡ khó khăn cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, Bộ đề xuất gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân đối với số tiền thuế phát sinh phải nộp năm nay của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Số thuế được gia hạn là khoảng 350 tỉ đồng.
Với tiền thuê đất, Bộ đề xuất gia hạn thời hạn đối với 50% số tiền thuê đất phát sinh phải nộp của doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh cá nhân thuộc đối tượng quy định. Thời gian gia hạn là 6 tháng kể từ ngày 31/5. Dự kiến số tiền thuê đất được gia hạn khoảng 3.600 tỉ đồng.
Theo Bộ Tài chính, việc gia hạn không làm giảm thu ngân sách, do các khoản thuế này phải nộp chậm nhất vào ngày 31/12. Ước tính tổng số thuế được gia hạn theo các chính sách tại dự thảo nghị định này là gần 102.000 tỉ đồng.
Các đối tượng được gia hạn quy định tại Điều 3 Nghị định số 64/2024/NĐ-CP ngày 17/6/2024 của Chính phủ gồm:
1. Doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động sản xuất trong các ngành kinh tế sau:
a) Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản;
b) Sản xuất, chế biến thực phẩm; dệt; sản xuất trang phục; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế); sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác; sản xuất kim loại; gia công cơ khí; xử lý và tráng phủ kim loại; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; sản xuất ô tô và xe có động cơ khác; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế;
c) Xây dựng;
d) Hoạt động xuất bản; hoạt động điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc;
đ) Khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên (không gia hạn đối với thuế thu nhập doanh nghiệp của dầu thô, condensate, khí thiên nhiên thu theo hiệp định, hợp đồng);
e) Sản xuất đồ uống; in, sao chép bản ghi các loại; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị); sản xuất mô tô, xe máy; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị;
g) Thoát nước và xử lý nước thải.
2. Doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động kinh doanh trong các ngành kinh tế sau:
a) Vận tải kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống; giáo dục và đào tạo; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; hoạt động kinh doanh bất động sản;
b) Hoạt động dịch vụ lao động và việc làm; hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh tua du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tua du lịch;
c) Hoạt động sáng tác, nghệ thuật và giải trí; hoạt động của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; hoạt động thể thao, vui chơi giải trí; hoạt động chiếu phim;
d) Hoạt động phát thanh, truyền hình; lập trình máy vi tính, dịch vụ tư vấn và các hoạt động khác liên quan đến máy vi tính; hoạt động dịch vụ thông tin;
đ) Hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai khoáng.
3. Doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển; sản phẩm cơ khí trọng điểm.
4. Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ được xác định theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 và Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.