Đại án Vạn Thịnh Phát: Đồng vợ đồng chồng, rút SCB đến cạn!
Để rút ruột SCB, bà Trương Mỹ Lan – Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã bàn bạc và thống nhất với chồng là ông Chu Lập Cơ (quốc tịch Hồng Kông, Trung Quốc) lấy Toà nhà Times Square làm tài sản thế chấp để vay khống tại nhà băng này.
Bà Trương Mỹ Lan sở hữu số lượng lớn các công ty con, công ty liên kết, giao cho người nhà, thân tín điều hành và quản lý, như: Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông, Công ty Cổ phần Tập đoàn Sài Gòn Peninsula, Công ty Cổ phần Tập đoàn Quản lý Bất động sản Windsor, Công ty Cổ phần Đầu tư Times Square...
Ông Chu Lập Cơ sinh năm 1956, là người sáng lập, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Times Square – doanh nghiệp sở hữu Toà nhà Times Square toạ lạc ngay mặt tiền đường Nguyễn Huệ (P.Bến Nghé, Q.1), với 99,26% cổ phần.
Khai với cơ quan điều tra, ông Chu Lập Cơ thừa nhận đồng ý để vợ là Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát làm thủ tục đầu tư, cấp phép xây dựng, huy động vốn, vay vốn Ngân hàng SCB thực hiện công trình toà nhà Times Square - khu liên hợp văn phòng, khách sạn, căn hộ cao cấp, trung tâm thương mại.
Năm 2009-2012, hai vợ chồng thống nhất sử dụng tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản hình thành trong tương lai tại dự án Times Square để đảm bảo cho các khoản vay đứng tên các cá nhân, pháp nhân do Trương Mỹ Lan chỉ định. Chủ tịch HĐQT Công ty Times Square ký các biên bản họp Đại hội đồng cổ đông, Nghị quyết chấp thuận thế chấp để hợp thức hoá giấy tờ bảo lãnh khoản vay tại Ngân hàng SCB
Từ 2012-2014, bà Lan chỉ đạo các thân tín tại SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty Times Square lập hồ sơ 73 khoản vay khống cho 67 khách hàng, tổng số tiền là hơn 29.000 tỷ đồng. Năm 2017, các khoản nợ đến hạn nhưng không có tiền trả, ông Chu Lập Cơ tiếp tục ký bảo lãnh, gia hạn nợ để đảm bảo đối với dư nợ tối đa hơn 35.500 tỷ đồng.
Theo Cơ quan điều tra, trong 10 năm (từ 2012-2022), bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã lập số lượng lớn các hồ sơ vay vốn khống, khi đến hạn không trả được nợ, người phụ nữ này cùng người nhà, thân tín tiếp tục tạo các khoản vay khống khác, số tiền chiếm đoạt ngày càng nhiều, thiệt hại ngày càng lớn.
Ông Chu Lập Cơ khai thực hiện các thủ tục bảo lãnh khoản vay theo chỉ đạo của vợ chứ không có quan hệ với các cá nhân đứng tên vay vốn, chỉ ký khống các loại giấy tờ. Kết luận điều tra xác định, số tiền thiệt hại là hơn 39.200 tỷ đồng, bao gồm gốc và lãi.
Khoản tiền này lớn hơn rất nhiều so với vốn điều lệ của SCB, tính đến năm 2021 là hơn 20.000 tỷ đồng. Ông Cơ thừa nhận, dự án xây dựng Toà nhà Times Square cũng được hình thành từ nguồn vốn vay tại SCB và các khoản trả nợ của doanh nghiệp cũng lấy từ ngân hàng này.
Theo lời khai của các cá nhân đứng tên hộ các khoản vay, họ là lao động tự do hoặc nhân viên Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, có người nhà, người quen làm việc tại Ngân hàng SCB nhờ đứng tên, được gọi đến ngân hàng ký khống hồ sơ, thủ tục.
Họ không có nhu cầu vay, không biết phương án vay vốn để làm gì, không được nhận tiền giải ngân và không có mối quan hệ với Công ty Times Square. Các cá nhân này chỉ được trả tiền công từ 15 triệu đồng – 40 triệu đồng/năm.
Ông Chu Lập Cơ bị cáo buộc có vai trò giúp cho bà Trương Mỹ Lan thực hiện hành vi phạm tội. Ông Cơ sau đó nộp lại 1 tỷ đồng.
Theo Kết luận điều tra, trong 20 năm hoạt động, bà Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã mở hơn 1.000 công ty con, công ty thành viên, công ty “ma”, tiến hành tạo lập, hợp thức hoá các khoản vay rút ruột SCB, qua đó giúp bà Trương Mỹ Lan chiếm đoạt số tiền hơn 304.000 tỷ đồng, đến nay ngân hàng không thể chi trả và phát sinh lãi hơn 129.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, hai vợ chồng Trương Mỹ Lan – Chu Lập Cơ còn đang bị khởi tố điều tra về hành vi rửa tiền. Tuy nhiên, cơ quan tố tụng quyết định tách rút hồ sơ, tài liệu liên quan để xử lý ở giai đoạn sau của vụ án.