Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Chủ nhật, 19/11/2023 09:09 (GMT+7)

Vụ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát: Bị can Trương Mỹ Lan bị đề nghị truy tố với 3 tội danh

Theo dõi GĐ&PL trên

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra, đề nghị truy tố 86 bị can trong vụ án liên quan đến Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị có liên quan.

Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan bị đề nghị truy tố với 3 tội danh.
Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan bị đề nghị truy tố với 3 tội danh.

Trong số này, bị can Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) bị đề nghị truy tố 3 tội: "Đưa hối lộ"; "Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng" và "Tham ô tài sản". Bị can Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II - Ngân hàng Nhà nước) bị đề nghị truy tố về tội "Nhận hối lộ".

Nhóm bị can còn lại bị đề nghị truy tố về các tội: "Tham ô tài sản"; "Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng"; "Nhận hối lộ"; "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ"; "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng"; "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".

Theo kết luận điều tra, Trương Mỹ Lan là Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, sở hữu số lượng lớn các công ty con, công ty liên kết; giao cho người nhà, người thân tín điều hành, quản lý. Bà Trương Mỹ Lan không nắm chức vụ tại Ngân hàng SCB nhưng là cổ đông chính ở đây, thời điểm ít nhất cũng giữ 85% cổ phần.

Trương Mỹ Lan đã dùng SCB làm "kênh huy động vốn" cho cá nhân mình; cùng đồng phạm lập khống hồ sơ vay vốn để rút tiền trong SCB – vốn là tiền người dân, khách hàng gửi vào. Cơ quan điều tra xác định Trương Mỹ Lan đã chiếm đoạt 304.096 tỷ đồng của SCB. Số tiền này đến nay ngân hàng không thể chi trả và còn phát sinh số tiền lãi hơn 129.372 tỷ đồng. Như vậy, Trương Mỹ Lan đã gây thiệt hại tổng cộng hơn 415 nghìn tỷ đồng.

Cùng vụ án, bị can Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, Ngân hàng Nhà nước) bị đề nghị truy tố về tội “Nhận hối lộ”. Với vai trò, trách nhiệm được giao là Trưởng đoàn thanh tra nhưng bị can Nhàn không báo cáo trung thực với Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ về sai phạm, vi phạm của Ngân hàng SCB tại các dự án, phương án tái cơ cấu so với kết quả thanh tra mà đề xuất theo hướng giảm nhẹ sai phạm và kiến nghị tạo điều kiện cho ngân hàng này tiếp tục được tái cơ cấu.

Kết quả điều tra xác định, cựu Cục trưởng Đỗ Thị Nhàn với tư cách là Trưởng đoàn thanh tra đã nhận hối lộ 5,2 triệu USD để bao che, bưng bít cho các sai phạm của bà Trương Mỹ Lan và Ngân hàng SCB. Hành vi làm trái công vụ, trái quy định pháp luật thanh tra của bị can Đỗ Thị Nhàn để giúp đỡ Trương Mỹ Lan, tạo điều kiện cho Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB thực hiện những hành vi sai phạm nối tiếp sai phạm.

Lừa đảo, chiếm đoạt hơn 30.000 tỉ đồng của nhà đầu tư

Ngoài 3 tội danh đã bị đề nghị truy tố, Trương Mỹ Lan còn bị khởi tố tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" thông qua việc phát hành trái phiếu, nhưng hiện Cơ quan điều tra đã tách vụ án để xử lý sau. Trong hành vi này, bước đầu cơ quan chức năng xác định Trương Mỹ Lan và đồng phạm lừa đảo 30.000 tỉ đồng của 42.000 nhà đầu tư.

Kết quả điều tra xác định, từ năm 2018 - 2020, các nghi phạm có liên quan tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, các công ty con thuộc tập đoàn cùng một số đơn vị đã có hành vi gian dối, làm trái quy định của pháp luật trong phát hành trái phiếu. Từ các hành vi gian dối trong phát hành trái phiếu, Trương Mỹ Lan và các bị can trong vụ án Vạn Thịnh Phát đã lừa đảo hơn 30.000 tỉ đồng của 42.000 nhà đầu tư.

Do số lượng bị hại trong vụ án này rất lớn nên Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ủy thác cho Cơ quan điều tra Công an các địa phương làm việc với các nhà đầu tư đã mua trái phiếu của Vạn Thịnh Phát

Cũng liên quan đến vụ án, mới đây, Bộ Công an phát lệnh truy nã 7 bị can, do xác định những người này đã bỏ trốn. Những người bị truy nã gồm: Nguyễn Thị Thu Sương (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị SCB), Đinh Văn Thành (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị SCB), Chiêm Minh Dũng (cựu Phó tổng giám đốc SCB), Trầm Thích Tồn (cựu Thành viên Hội đồng quản trị SCB), Sun Henry Ka Ziang (thành viên Hội đồng quản trị SCB, quốc tịch Trung Quốc), Lam Lee George (cựu thành viên Hội đồng quản trị SCB) và Nguyễn Lâm Anh Vũ (cựu Phó giám đốc chi nhánh Bến Thành SCB). Cơ quan điều tra kêu gọi các bị can đầu thú để hưởng lượng khoan hồng, nếu không ra trình diện coi như từ bỏ quyền tự bào chữa và sẽ bị truy tố, xét xử./.

Cùng chuyên mục

Tin mới

Xử lý triệt để ổ dịch bệnh truyền nhiễm, đảm bảo vệ sinh môi trường tại khu vực bão lụt
Trong những ngày qua, cơn bão số 3 đã gây ra mưa lớn, sạt lở đất và ngập lụt trên diện rộng ở nhiều tỉnh thành khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ. Để tăng cường phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo nước sạch, vệ sinh môi trường, quản lý chất thải y tế trước, trong và sau bão, mưa lũ, Bộ Y tế đã hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch, xử lý môi trường.
Không quân điều trực thăng bay Mi-171 bay cứu trợ đồng bào vùng lũ
Vào 9 giờ 30 phút sáng 12/9, trực thăng Mi-171 số hiệu 03 thực hiện chuyến bay đầu tiên của Trung đoàn Trực thăng 916 thuộc Sư đoàn quân 371, Quân chủng Phòng không - Không quân đã cất cánh từ sân bay Hòa Lạc để thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn và vận chuyển nhu yếu phẩm, phao cứu sinh giúp đỡ đồng bào vùng lũ ở huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.
Biển Đông khả năng lại đón bão trong 1 tháng tới
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, trong 1 tháng tới, hoạt động của bão, áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền của Việt Nam khả năng ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Quyên góp từ thiện theo quy định pháp luật hiện hành
Theo quy định hiện hành, cá nhân mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện, bố trí địa điểm phù hợp để tiếp nhận, quản lý, bảo quản hiện vật đóng góp tự nguyện trong thời gian tiếp nhận; có biên nhận các khoản đóng góp tự nguyện bằng tiền mặt, hiện vật tiếp nhận được khi tổ chức, cá nhân đóng góp yêu cầu.