Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Chủ nhật, 05/09/2021 21:04 (GMT+7)

Đà Nẵng đạt được gì sau 20 ngày phong tỏa cứng toàn thành phố?

Theo dõi GĐ&PL trên

Qua 5 đợt xét nghiệm toàn diện trong 20 ngày phong tỏa cứng toàn thành phố, Đà Nẵng đã phát hiện kịp thời 2.496 F0 và chữa khỏi Covid-19 cho 1.666 bệnh nhân, nhiều chuỗi lây nhiễm lớn được kiểm soát.

Theo Sở Y tế TP Đà Nẵng, trong vòng 20 ngày thực hiện "ai ở đâu ở yên đó" (từ ngày 16/8 đến ngày 5/9), Đà Nẵng đã dốc toàn lực tiến hành 5 đợt xét nghiệm toàn diện và phát hiện tổng 2.496 ca mắc Covid-19, trong đó đã bóc tách được 367 F0 ra khỏi cộng đồng.

Đặc biệt, trong hàng nghìn ca dương tính với SARS-CoV-2 được phát hiện qua 3 tuần "phong thành", có đến 265 trường hợp phát hiện qua xét nghiệm đại diện hộ gia đình. Từ đây, phát hiện thêm 828 trường hợp liên quan, chủ yếu là người trong gia đình.

Cũng trong 20 ngày dừng tất cả mọi hoạt động, cách ly tuyệt đối nhà với nhà, Đà Nẵng đã cho 1.666 bệnh nhân khỏi Covid-19 xuất viện, trong đó có rất nhiều ca bệnh nặng.

tm-img-alt
Tính đến ngày 5/9, toàn TP Đà Nẵng có 15 xã, phường là "vùng xanh" - 14 ngày liên tiếp không ghi nhận ca dương tính ngoài cộng đồng.

Hiện, các bệnh viện đang điều trị cho 2.004 bệnh nhân Covid-19. Trong đó, Bệnh viện dã chiến tại Ký túc xá phía Tây thành phố: 1.736 ca, Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang: 180 ca và Bệnh viện Phổi: 88 ca. Trong đó có 75 ca bệnh nặng, 369 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 và 115 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính lần 2.

Thành phố cũng đang cách ly 1.632 người tại 50 cơ sở cách ly tập trung.

tm-img-alt
Kể từ ngày 5/9, người dân ở các vùng xanh được đi chợ, tập thể dục ngoài trời, người lao động tại các công ty, doanh nghiệp được phép đến nơi làm việc.

Đặc biệt, hiện 2 chuỗi lây nhiễm lớn tại chợ đầu mối Hòa Cường (1.608 ca liên quan) và ổ dịch khu phong tỏa quận Sơn Trà (1.206 ca liên quan) đã được kiểm soát. Đến sáng nay, Đà Nẵng chỉ còn lại 2 chuỗi lây nhiễm nguy cơ cao.

Tính đến sáng 5/9, có 14 phường, xã không có ca mắc trong cộng đồng 14 ngày liên tiếp và hiện không có khu phong tỏa (vùng xanh) gồm: An Hải Bắc, An Hải Tây, Mân Thái, Phước Mỹ (quận Sơn Trà), Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn), Nam Dương, Phước Ninh, Hải Châu 1 (quận Hải Châu), Hòa Bắc, Hòa Khương, Hòa Tiến, Hòa Phú, Hòa Liên, Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang).

Có thể nói, xét về tổng thể, sau 20 ngày thực hiện biện pháp phong tỏa cứng toàn thành phố, Đà Nẵng đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh.

tm-img-alt
Ngày 5/9, Đà Nẵng chuyển trạng thái chống dịch mới sau 3 tuần thực hiện “ai ở đâu ở yên đó”.
tm-img-alt
Hôm nay, các chốt kiểm soát cũng đã bắt đầu sử dụng điện thoại di động để quét mã QR Code trên giấy đi đường nhằm kiểm tra mục đích lưu thông của người dân.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 Đà Nẵng chiều tối 4/9, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cũng khẳng định, những biện pháp giãn cách triệt để, các biện pháp phòng chống dịch mạnh trong 20 ngày qua đã đem lại kết quả tích cực.

"Đây là con số mà nếu không giãn cách nghiêm ngặt, xét nghiệm triệt để trên phạm vi rộng, hơn 2.400 F0 này mà lây lan ra diện rộng hơn thì nguy cơ lây nhiễm dịch ở mức độ sâu rộng đối với Đà Nẵng sẽ ở mức rất báo động", Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nhận định.

Ông Quảng cho biết thêm, qua các đợt xét nghiệm đã tầm soát được mức độ nguy cơ lây lan dịch bệnh trên địa bàn. Các đợt xét nghiệm cũng chứng minh đã giảm được số lượng F0 ngoài cộng đồng một cách cơ bản. Từ những số liệu này, lãnh đạo thành phố có cơ sở để đưa ra các quyết định, các phương án và biện pháp đúng sát với thực tế.

Ghi nhận của PV Môi trường và Đô thị Việt Nam, bắt đầu từ 8 giờ sáng nay (ngày 5/9), Đà Nẵng đã nới lỏng một số hoạt động ở vùng vàng và vùng xanh.

Theo Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 Đà Nẵng, việc nới lỏng nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân, phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh cơ bản trên địa bàn, đồng thời giải quyết tư tưởng, tâm lý của người dân sau khi thực hiện phong tỏa cứng trong thời gian khá dài.

tm-img-alt
Tại một số phường, xã "vùng xanh", người dân được phát phiếu để có thể trực tiếp đi chợ 5 ngày/1 lần.
tm-img-alt
Nhiều người dân ở "vùng xanh" ra đường để đi mua hoa quả, thực phẩm cho gia đình trong ngày đầu Đà Nẵng chuyển trạng thái chống dịch mới.

Tuy nhiên, dù đã qua 5 đợt xét nghiệm, nhưng nguy cơ F0 trong cộng đồng vẫn còn và những nguồn lây còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát ở tất cả các lĩnh vực, các địa bàn. Trên toàn địa bàn Đà Nẵng hiện đang có 198 điểm phong tỏa cứng (vùng đỏ). Do đó, chỉ có thể thông qua xét nghiệm để tầm soát, khoanh vùng kịp thời. Thời gian tới, ngành y tế Đà Nẵng sẽ tiếp tục xét nghiệm để phát hiện những F0 còn lại trong cộng đồng.

Ngoài ra, hiện Đà Nẵng cũng đang nỗ lực hết sức để ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong khu chung cư, kiệt hẻm. Trong đó, các phương án kiểm soát người dân tại những "điểm nóng" này như sử dụng flycam, camera an ninh để kiểm soát việc người dân "ở yên trong nhà" hay triển khai giãn dân để đề phòng nguy cơ lây nhiễm chéo, là những bước đi đã và đang mang lại hiệu quả.

Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh yêu cầu, những ngày tới cần tập trung truy vết thật kỹ để quét hết F1 và các F liên quan. "Cần đánh giá thời gian hoàn thành cách ly đối với những trường hợp F0 nằm trong khu cách ly. Thực tế tại khách sạn và các khu cách ly có camera giám sát, người dân khai báo không gặp ai nhưng vẫn có tình trạng lây chéo", ông Chinh nhấn mạnh.

Đặc biệt, Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, trong những ngày tới, thành phố sẽ tiếp nhận lượng vắc xin lớn. Vì vậy, ngành y tế sẽ huy động tối đa nhân lực khoảng 2.000 người, mở rộng điểm tiêm lên 3 - 4 điểm/quận, huyện để hạn chế thấp nhất người dân đi xa và tập trung đông người.

Cùng chuyên mục

Hà Nội sắp rét hơn 10 độ C
Do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh mạnh sắp về miền Bắc, nhiệt độ ở Thủ đô Hà Nội có thể sẽ giảm hơn 10 độ C vào ngày cao điểm (dự kiến ngày 28/11).

Tin mới

Hà Nội sắp rét hơn 10 độ C
Do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh mạnh sắp về miền Bắc, nhiệt độ ở Thủ đô Hà Nội có thể sẽ giảm hơn 10 độ C vào ngày cao điểm (dự kiến ngày 28/11).
Đề xuất bệnh viện hạng I có thêm 02 năm để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử
Bộ Y tế hiện đang hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 46/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định hồ sơ bệnh án điện tử. Trong đó, dự thảo này đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 của Điều 20 Thông tư 46/2018/TT-BYT về lộ trình thực hiện bệnh án điện tử, như sau: Đến ngày 31/12/2025, tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc phải áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử tại đơn vị.