Đà Nẵng đã thiết lập 'pháo đài chống dịch' như thế nào?
0 giờ sáng. Điện thoại của các y, bác sỹ tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng vẫn thay nhau đổ chuông liên hồi.
Đã hai tuần từ khi làn sóng COVID-19 thứ tư ập đến, với những chiến sỹ khoác 'blouse trắng', khái niệm ngày và đêm đã không còn ý nghĩa. Họ và cả Đà Nẵng lại bước vào cuộc chiến mới giữa thời bình, thần tốc hơn, dày dặn kinh nghiệm hơn.
Mỗi người dân là một… pháo đài chống dịch
Nghĩa, cư dân quận Hải Châu (TP Đà Nẵng) từ khoảng nửa tháng nay đã bỏ hẳn thói quen chạy bộ buổi sáng. Thay vào đó, anh chỉ ra ngoài 3 ngày một lần để mua thức ăn và nhu yếu phẩm cần thiết cho gia đình.
Người Đà Nẵng, kể từ sau thông tin xuất hiện trường hợp nhiễm COVID-19 mới hôm 3/5, đã quen với nguyên tắc 5K mà thành phố ráo riết triển khai, như một “tình trạng bình thường mới”. Với phương châm “mỗi người dân phải là một pháo đài chống dịch”, ngay từ cuối tháng 4/2021, Chủ tịch UBND thành phố đã có văn bản yêu cầu “Tiếp tục hạn chế các hoạt động tập trung đông người không cần thiết; trong trường hợp tổ chức, phải thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn, phòng, chống COVID-19”.
Liên tiếp sau đó, Đà Nẵng đã mạnh tay yêu cầu dừng các sự kiện văn hóa, thể thao, tôn giáo, hoạt động nghệ thuật; karaoke, bar pub, vũ trường, chợ đêm, phố đi bộ; dừng phục vụ ăn uống tại chỗ cũng như các phương tiện vận tải công cộng; các hoạt động giao hàng và cấm tụ tập 5 người nơi công cộng. Từ ngày 8/5, người dân Đà Nẵng đã sử dụng thẻ vào chợ theo phiên chẵn/lẻ.
Những biện pháp mạnh được áp dụng, các cấp độ chống dịch liên tục được nâng cao. Tính đến hết ngày 16/5, lực lượng chức năng Đà Nẵng xử phạt 272 trường hợp vi phạm các biện pháp phòng, chống dịch với số tiền 127,5 triệu đồng; thấp hơn nhiều so với đợt dịch tháng 7/2020, cho thấy ý thức tuân thủ khuyến cáo 5K đã được nâng lên. Cán bộ, nhân viên y tế từ cấp quận đến cấp phường bất kể ngày đêm đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà khi có thông tin ca nhiễm mới để nhanh chóng truy vết F1, F2. Bên cạnh đó, việc Đà Nẵng triển khai phổ biến tờ khai y tế trên diện rộng qua… Zalo cũng giúp việc truy vết, khoanh vùng dịch trở nên hiệu quả hơn. Các tờ khai được đưa lên nhóm Zalo của khu phố cho mọi người điền thông tin; trên cơ sở đó giúp cơ quan chức năng nhanh chóng nắm được lịch trình đi lại của cộng đồng. Người lạ đến lưu trú, khách của các gia đình đều được nhắc nhở khai báo.
Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cho hay: Các biện pháp khẩn trương và quyết liệt trên nhằm đảm bảo vừa kiểm soát tốt dịch bệnh, vừa cân nhắc, tính toán để giảm thiểu ảnh hưởng tới đời sống của người dân.
Sáng tạo ngay từ cách xét nghiệm gộp
Trước diễn biến nhanh và phức tạp của dịch COVID-19 khi chưa xác định được nguồn lây, Đà Nẵng tiếp tục triển khai xét nghiệp gộp để tăng tốc truy vết. Đây cũng là giải pháp đã được thành phố này áp dụng thành công đầu tiên từ đợt dịch trước và được Chính Phủ đánh giá rất cao về tính hiệu quả.
Cụ thể, theo báo cáo của UBND TP Đà Nẵng, đợt dịch năm 2020, phương pháp lấy mẫu gộp 5 đã cho thấy lợi ích thiết thực, tiết kiệm về chi phí (giảm xuống còn gần 12 tỷ đồng thay vì hơn 55,4 tỷ đồng nếu xét nghiệm mẫu đơn).
Năm 2021, trước diễn biến dịch phức tạp, đối mặt với áp lực xét nghiệm số lượng mẫu ngày càng tăng trong điều kiện khó khăn về nhân lực, vật lực, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng (CDC Đà Nẵng) tiếp tục cải tiến phương pháp mẫu gộp nhóm 5 thành mẫu gộp nhóm 10. Kể từ 01/5/2021 đến nay, có gần 70.000 mẫu xét nghiệm đã được CDC Đà Nẵng thực hiện với kết quả xét nghiệm phải có trong vòng 24 giờ, đáp ứng tốc độ truy vết, giám sát diện rộng. Ngày 13/5, Đà Nẵng đã xét nghiệm được 22.844 mẫu, cao nhất từ trước đến nay.
Phương pháp xét nghiệm gộp đã giúp tiết kiệm chi phí tối đa lên đến 20 lần so với xét nghiệm mẫu đơn; đồng thời đẩy cao tiến độ xét nghiệm, phát hiện nhanh các ca bệnh trong cộng đồng. Đánh giá cao phương pháp này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đề nghị Đà Nẵng tổng kết để hướng dẫn chia sẻ với các địa phương khác để tiết kiệm chi phí và cải thiện tốc độ xét nghiệm. Tiếp đó, ngày 16/5, CDC Đà Nẵng tiếp tục được Thủ tướng Phạm Minh Chính ký tặng bằng khen vì những thành tích trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Có “vũ khí” mạnh trong tay, ngay tối 17/3, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Lê Trung Chinh ban hành kế hoạch xét nghiệm COVID-19 đại diện các hộ gia đình trên địa bàn TP. Mục đích của kế hoạch nhằm đẩy nhanh hơn nữa việc phát hiện sớm người nhiễm bệnh trong cộng đồng, đặc biệt là những trường hợp không có biểu hiện lâm sàng; trên cơ sở đó triển khai các biện pháp kiểm soát, khoanh vùng, dập dịch kịp thời.
Theo dự kiến, việc thực hiện lấy mẫu sẽ diễn ra từ ngày 18 – 21/5 cho 65.888 hộ chưa được xét nghiệm và sẽ tiến hành lấy mẫu xét nghiệm theo quận, huyện.
Chống dịch bằng cả nghĩa cử đồng bào
Đối mặt với những ảnh hưởng nghiêm trọng tới toàn bộ tình hình kinh tế - xã hội qua các đợt dịch, nhưng dường như càng gian khó, người ta lại càng thấm hiểu nghĩa tình người Đà Nẵng. Người ở nơi không bị phong tỏa tự nguyện “lo” lương thực, thực phẩm cho người vùng dịch. Không có xe vận chuyển, Hội xe bán tải Đà Nẵng xúm vào giúp đỡ.
Tháng 2/2021, khi dịch bùng lên ở nhiều địa phương, Đà Nẵng đã ngay lập tức quyết định tháo dỡ và chuyển một phần thiết bị từ bệnh viện dã chiến Tiên Sơn cho tiền tuyến Hải Dương. Ở một hướng khác, đoàn công tác gồm 8 y, bác sỹ cũng “gác Tết” lên đường chi viện khẩn cho Gia Lai.
Ở tầm vĩ mô hơn, tính từ đầu năm 2021, Đà Nẵng không nề hà đón nhận và tổ chức cách ly cho 12.000 người về nước (chiếm khoảng 80% công dân được giải cứu).
Và mới đây nhất, ngay trong đêm 17/3, trong bối cảnh vẫn phải căng mình chống dịch, thành phố sông Hàn vẫn chia sẻ cùng Bắc Giang và Bắc Ninh mỗi tỉnh 6.000 sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2, tương đương 3 tỷ đồng.
Trong bão Covid-19, vẫn có một Đà Nẵng quyết liệt, thần tốc mà nghĩa tình như thế!