Cục Hàng không Việt Nam đề xuất nới giá trần vé bay
Các hãng hàng không Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn do giá nhiên liệu bay tăng cao trong thời gian qua và kiến nghị cần được nới trần khung giá vé bay.
Cục Hàng không đề xuất Bộ GTVT cho phép tăng khung trần giá vé máy bay nội địa thêm bình quân gần 4% so với hiện hành để các hãng ứng phó với chi phí tăng cao do giá xăng dầu tăng liên tục.
Theo Cục Hàng không, giá nhiên liệu bay Jet A1 tăng cao, hiện duy trì mức trên 100 USD/thùng, làm tăng chi phí của các hãng hàng không hơn 30%, với các hãng thị phần vận tải khách nội địa lớn, chi phí nhiên liệu đã làm các hãng tốn thêm khoảng 5.000 tỷ đồng trong năm nay. Hiện chi phí nhiên liệu chiếm từ 30-40% tổng chi phí của các hãng hàng không.
Do đó, Cục Hàng không đề xuất Bộ GTVT cho tăng khung trần giá vé máy bay nội địa. Cụ thể, với đường bay 500 - 850km tăng giá trần từ 2,2 triệu đồng/vé hiện hành lên 2,25 triệu đồng (tăng thêm 2,27%); chặng bay 850 - 1.000km tăng từ 2,79 triệu đồng lên 2,89 triệu đồng (tăng 3,58%);
Chặng bay có độ dài từ 1.000 - 1.280km tăng từ 3,2 triệu đồng lên 3,4 triệu đồng (tăng 6,25%); chặng bay từ 1.280km trở lên tăng từ 3,75 triệu đồng lên 4 triệu đồng (tăng 6,67%).
Khung trần giá vé máy bay hiện hành áp dụng từ năm 2015 tới nay, nhưng trong bối cảnh Chính phủ kiểm soát lạm phát, việc tăng giá vé máy bay luôn được cân nhắc trong bối cảnh điều hành chung.
Ngoài ra, hiện Cục Hàng không cũng xem xét khả năng bổ sung thêm phụ phí nhiên liệu tính vào giá vé máy bay theo đề xuất của các hãng, có thể phụ thu khi giá nhiên liệu vượt mức 100 USD/thùng. Nếu có thêm phần phụ thu này, các hãng có thể điều chỉnh linh hoạt theo biến động của giá nhiên liệu.
Trước đó, Vietnam Airlines đã có đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét điều chỉnh giá trần vé máy bay; nghiên cứu, đề xuất phương án cho phép hãng hàng không được thu phụ thu nhiên liệu cho các chặng bay nội địa.
Theo ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, giá trần được quy định tại Thông tư 17/2012 của Bộ Giao thông Vận tải đã được áp dụng từ năm 2015 hiện đã không còn phù hợp với tình hình đường bay nội địa.
“Việc điều chỉnh khung giá dịch vụ hành khách không có nghĩa là các hãng hàng không tăng giá vé bất hợp lý, mà sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hãng tiếp tục thực hiện chính sách giá vé linh hoạt đồng thời bù đắp chi phí tăng thêm do giá dầu tăng,” lãnh đạo Vietnam Airlines phân tích.
Bên cạnh đó, khi được điều chỉnh giá trần, hãng hàng không sẽ có điều kiện cải thiện chất lượng dịch vụ tương xứng với giá vé cho đối tượng khách có khả năng chi trả cao, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng cũng như đảm bảo các quy định về giá bán hiện hành.