Chủ tịch Hà Nội chỉ đạo xử lý 64 dự án chậm triển khai ở Mê Linh
Văn phòng UBND TP. Hà Nội vừa thông báo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội về kết quả kiểm tra, rà soát việc thực hiện các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn huyện Mê Linh…
Theo đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo thống nhất với các phương án xử lý đối với các dự án chậm triển khai trên địa bàn huyện Mê Linh theo báo cáo mới nhất của Sở Tài nguyên và Môi trường vào ngày 13/3 vừa qua.
Được biết, 64 dự án chậm triển khai trên địa bàn huyện Mê Linh, trong đó có nhiều khu đô thị, khu nhà ở được phê duyệt đầu tư hàng chục năm nhưng chưa đầu tư xây dựng, được chia làm 2 nhóm để xử lý.
Nhóm 1 gồm 15 dự án, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Quy hoạch Kiến trúc và UBND huyện Mê Linh khẩn trương thực hiện chấm dứt, dừng, tạm dừng dự án, rà soát về quy hoạch, từ đó đề xuất phương án sử dụng đất theo quy định, báo cáo kết quả trước ngày 30/4/2023.
Riêng đối với dự án Khu đô thị Golf Vinashin, Chủ tịch UBND TP Hà Nội giao Sở Quy hoạch và Kiến trúc chủ trì theo dõi, tham mưu đề xuất UBND TP xem xét, chỉ đạo theo quy định.
Nhóm 2 gồm 49 dự án còn lại, Chủ tịch UBND TP yêu cầu các ban ngành chức năng căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao để thực hiện thủ tục chấm dứt việc thu hồi đất, chấm dứt thực hiện dự án đối với Dự án xây dựng bệnh viện cho người có thu nhập cao và chữa bệnh miễn phí cho người nghèo tại xã Tiền Phong trước ngày 30/4/2023.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, rà soát tham mưu UBND TP xem xét tháo gỡ thủ tục giao đất, cho thuê đất đối với dự án Khu đô thị mới CEO Mê Linh (sau khi được chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất lúa) và dự án Trường Đại học Tài chính - Ngân hàng Hà Nội, báo cáo UBND TP trước ngày 1/4 tới.
Ngoài ra, đối với các dự án còn lại (trong số 49 dự án thuộc nhóm 2), Chủ tịch TP Hà Nội giao các sở ngành liên quan và huyện Mê Linh tập trung chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục hành chính, tạo điều kiện để chủ đầu tư tự khắc phục, khẩn trương thực hiện dự án, đưa đất vào sử dụng. Kết quả báo cáo về UBND TP Hà Nội trước ngày 30/6 năm nay.
Trước đó, huyện Mê Minh cũng đã đề xuất TP Hà Nội thu hồi 14 dự án treo, đó là các khu đô thị, khu nhà ở được phê duyệt đầu tư hàng chục năm nhưng chưa đầu tư xây dựng.
Trong số 14 dự án bị đề xuất thu hồi có 12 dự án chưa giải phóng mặt bằng, UBND huyện Mê Linh đề nghị thu hồi diện tích đất UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã giao cho nhà đầu tư từ năm 2008 và chấm dứt đầu tư.
Cụ thể, có 4 dự án gồm khu đô thị mới Việt Á, khu đô thị mới BMC, khu đô thị mới Prime Group, khu nhà ở cao cấp Phương Viên đã được UBND TP Hà Nội ban hành quyết định thu hồi lại diện tích đất được UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao trong giai đoạn 2018 - 2022 nhưng chưa chấm dứt đầu tư.
2 dự án khu đô thị Thanh Lâm - Đại Thịnh 1 và khu đô thị Mê Linh - Đại Thịnh đã được Phó chủ tịch TP Dương Đức Tuấn thống nhất chấm dứt, dừng thực hiện; 2 dự án trồng cỏ nuôi bò sữa, khu nhà ở Thanh Lâm do Công ty Phương Viên làm chủ đầu tư, được đề nghị chấm dứt đầu tư vì “treo” nhiều năm.
Dự án khu công nghiệp Quang Minh 2 cũng chưa giải phóng mặt bằng để hoang hóa nhiều năm, UBND huyện kiến nghị Ban quản lý Khu công nghiệp Hà Nội tham mưu UBND TP chấm dứt thực hiện dự án.
Còn lại 2 dự án khu nhà vườn, chung cư phục vụ cho thu nhập thấp Ấp Tre; khu nhà ở sinh thái Vietracimex đã được Sở Tài nguyên và Môi trường thanh tra độc lập, kiểm tra không đủ hồ sơ liên quan được UBND TP chấp thuận, loại khỏi hệ thống theo dõi.
Trước đó, TP.Hà Nội cũng thông tin về biện pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xử lý dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn trong năm 2022. Cụ thể, thành phố đã chỉ đạo các Sở, ngành và UBND quận, huyện, thị xã rà soát, tập trung xây dựng kế hoạch, tổ chức nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm liên ngành và kết luận đối với từng dự án. Trong quá trình thực hiện tiếp tục chủ động, tập trung hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho chủ đầu tư, nhằm khắc phục vi phạm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án...
Qua thống kê, đến hết năm 2022 đã có 12 dự án được loại khỏi danh sách do trùng lặp, nhà đầu tư đề xuất nghiên cứu khi chưa có ý kiến của UBND TP; 59 dự án bị chấm dứt hoạt động dự án, dừng triển khai hoặc chấm dứt việc giao chủ đầu tư nghiên cứu lập quy hoạch theo quy định; 19 dự án được Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thanh tra để thiết lập hồ sơ làm cơ sở xem xét chấm dứt dự án theo quy định; 44 dự án với tổng diện tích 2.607 ha đất nằm trong diện bị xem xét thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất, chấm dứt hoạt động dự án…
Từ tình hình thực tế, năm 2023, UBND TP đặt mục tiêu phải xử lý dứt điểm các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai trên địa bàn.