Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết có thể đối diện mức án nào?
Với khung hình phạt bị khởi tố, Chủ tịch tập đoàn FLC có thể phải đối diện mức án cao nhất lên tới 7 năm tù.
Ngày 29/3/2022, Cơ quan CSĐT – Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC để điều tra để điều tra về những vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán.
Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Lê Hồng Hiển - Giám đốc Hãng luật Lê Hồng Hiển và Cộng sự (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), cho biết, liên quan đến các tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán hiện nay có 4 tội danh được quy định trong Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Cụ thể các quy định là: Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán (mức cao nhất là 5 năm tù giam nếu thu lợi bất chính trên 1 tỷ đồng hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư trên 3 tỷ).
Tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán (mức cao nhất là 7 năm tù giam nếu thu lợi bất chính trên 1 tỷ đồng hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư trên 1,5 tỷ).
Tội thao túng thị trường chứng khoán (mức cao nhất là 7 năm tù giam nếu thu lợi bất chính trên 1,5 tỷ đồng hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư trên 3 tỷ).
Tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán (mức cao nhất là 7 năm tù giam nếu thu lợi bất chính trên 2 tỷ đồng hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư trên 3 tỷ) được quy định lần lượt tại các Điều 209, Điều 2010, Điều 211 và Điều 212 Bộ luật hình sự.
Như vậy, ông Trịnh Văn Quyết có thể đối mặt với hình phạt cao nhất lên đến 7 năm tù.
Theo Luật sư Hiển, một trong những điểm mới của Bộ luật hình sự năm 2015 so với Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) đó là, chủ thể của các tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán bao gồm cả cá nhân và pháp nhân thương mại.
Theo đó, pháp nhân thương mại cũng phải chịu trách nhiệm hình sự (hình phạt phạt tiền, cấm hoạt động kinh doanh, cấm huy động vốn) về các tội danh nêu trên nếu hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh và vì lợi ích của pháp nhân; có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân.
Đối với tội che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán quy định tại Điều 209 BLHS được xác định là hành vi không công bố hoặc công bố không đầy đủ các thông tin trong hồ sơ chào bán chứng khoán, hồ sơ đăng ký niêm yết, giao dịch chứng khoán, hồ sơ đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán.
Về hành vi trong mặt khách quan của tội thao túng thị trường chứng khoán quy định tại Điều 211 BLHS được xác định là hành vi sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc người khác hoặc thông đồng với nhau liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo.
Thông đồng với người khác đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau mua bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán, cung cầu giả tạo.
Liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường.
Đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một loại chứng khoán, về tổ chức phát hành chứng khoán nhằm tạo ảnh hưởng đến giá của loại chứng khoán đó sau khi đã thực hiện giao dịch và nắm giữ vị thế đối với loại chứng khoán đó.