Chủ động ứng phó với mưa lũ, giảm thiệt hại về người
Ngày 31/7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Công điện số 5515/CĐ-BNN-ĐĐ về việc tập trung biện pháp giảm thiểu thiệt hại về người và chủ động ứng phó mưa lũ, sạt lở đất trong thời gian tới.
Công điện này gửi UBND các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ; các bộ: Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông; Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và Báo Nhân dân.
Theo đó, do ảnh hưởng của mưa, lũ từ ngày 27/7 đến 30/7 tại các tỉnh khu vực miền núi Bắc Bộ, mưa, lũ đã làm 7 người chết, mất tích (Hà Giang 2 người, Điện Biên 2 người, Sơn La 1 người, Thái Nguyên 1 người, Bắc Giang 1 người), nguyên nhân chủ yếu do người dân tham gia giao thông bị lũ cuốn trôi, đất đá sạt lở vùi lấp. Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ nay đến ngày 2/8, khu vực Bắc Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, cục bộ có nơi trên 200mm, nguy cơ cao tiếp tục xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở đất.
Để chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và các bộ, cơ quan liên quan thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 72/CĐ-TTg ngày 24/7; Công văn số 5378/BNN-ĐĐ ngày 26/7 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và tập trung chỉ đạo biện pháp cụ thể để giảm thiểu tối đa thiệt hại về người.
Các bộ, ngành, địa phương tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn kỹ năng ứng phó mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng để người dân biết, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại trên hệ thống thông tin, mạng xã hội; rà soát, bổ sung lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông qua các ngầm tràn, khu vực bị sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết, kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn.
Các bộ, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, cập nhật thường xuyên để thông tin đến chính quyền, người dân chủ động phòng tránh, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, sát với tình hình thiên tai trên địa bàn; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống; đồng thời tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai).