Cấp cứu kịp thời một người ngộ độc thuốc trầm cảm
Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, đến ngày 25/1, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân T.C.M.N 16 tuổi (sống tại một mái ấm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai) bị ngộ độc thuốc trầm cảm đã qua cơn nguy kịch, cai máy thở, tỉnh táo, tiếp xúc tốt và có thể xuất viện trong tuần tới.
Trước đó, bệnh nhân T.C.M.N. nhập viện trong tình trạng co giật sau khi uống thuốc trầm cảm. Các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu khẩn cấp, rửa ruột để nhanh chóng loại bỏ chất độc ra ngoài cơ thể bệnh nhân. Tuy nhiên do tình trạng của bệnh nhân chuyển biến quá nặng nên các bác sĩ phải cho thở máy, nuôi ăn qua sonde và truyền dịch.
Bác sĩ Trần Lê Duy Cường, Phó Trưởng khoa Hồi sức - tích cực - chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, may mắn là bệnh nhân T.C.M.N được cấp cứu kịp thời nên không để lại biến chứng sau này. Đây cũng là ca thứ 3 bị ngộ độc thuốc tân dược vào cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai tính từ tháng 1/2024 đến nay.
Các bác sĩ cảnh báo các trường hợp ngộ độc thuốc tân dược do nhiều nguyên nhân và thường rơi vào lứa tuổi từ 12 đến 16. Trong độ tuổi này, tâm sinh lý của trẻ chưa ổn định, dễ nghĩ quẩn và làm chuyện dại dột. Vì vậy, phụ huynh có con trong độ tuổi này cần quan sát, quan tâm nhiều đến trẻ. Khi trẻ có các biểu hiện lo âu, căng thẳng cần động viên và có giải pháp can thiệp, hỗ trợ kịp thời để tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra…
Đáng lo ngại, các chất gây ngộ độc thường gặp nhất là các loại thuốc tân dược, dễ dàng mua được ở nhà thuốc, quầy thuốc hoặc thuốc điều trị bệnh của người lớn có sẵn trong nhà. Thậm chí, có những trường hợp tự lên mạng đặt thuốc diệt chuột, thuốc trừ sâu… về sử dụng gây nguy hiểm tới tính mạng.