Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ ba, 10/09/2024 10:34 (GMT+7)

Cảnh giác với thông tin sai sự thật về lũ lụt ở Bắc Giang

Theo dõi GĐ&PL trên

Những ngày này, trên mạng xã hội lại lan truyền những thông tin thất thiệt về lũ lụt, khiến nhiều người hoang mang, rất đáng bị phê phán và cần được cơ quan chức năng xử lý nghiêm.

Ví dụ như chiều 9/9, một đoạn clip lan truyền trên mạng xã hội đưa tin về vỡ đê ở Tân Yên đã thu hút nhiều người bình luận, lo sợ. Một số khác lại phao tin đê vỡ ở huyện Lục Nam, Yên Dũng và thị xã Việt Yên. Đáng lưu ý, một trang Facebook có hàng nghìn người theo dõi đã livestream lũ trên sông Thương, kèm theo dòng “đêm nay TP Bắc Giang không ngủ rồi” càng khiến người dân lo lắng về nguy cơ vỡ đê sông Thương...

Cảnh giác với thông tin sai sự thật về lũ lụt ở Bắc Giang
Một cá nhân đưa thông tin vỡ đê không đúng sự thật.

Trả lời phóng viên Báo Bắc Giang, ông Khổng Văn Nguyên, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Bắc Giang khẳng định: “Clip đưa về vỡ đê ở Bắc Giang là sai sự thật. Đến 19 giờ ngày 9/9, hệ thống đê của tỉnh đều an toàn, chỉ có một số đê bối nhỏ tràn. Còn lũ trên sông Thương vẫn cách đỉnh bờ khoảng 4 m. Chúng tôi luôn cung cấp kịp thời, chính xác thông tin công tác ứng phó mưa lũ thông qua phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh đến người dân”.

Cũng theo ông Nguyên, đơn vị sẽ kiến nghị với cơ quan chức năng xử lý nghiêm việc đưa thông tin không đúng sự thật về tình hình mưa lũ trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Đại Lượng, Chủ tịch UBND thị xã Việt Yên bức xúc: “Thông tin vỡ đê ở thị xã Việt Yên là bịa đặt. Tất cả hệ thống đê điều của địa phương đều bảo đảm, được kiểm tra, xử lý thường xuyên. Tại Việt Yên có xã Vân Hà, một số người dân phường Quang Châu sinh sống ở khu vực ngoài đê nên khi nước từ thượng nguồn sông Cầu đổ về, lũ dâng cao, gây ngập cục bộ. Tuy nhiên, việc này diễn ra thường xuyên hằng năm, hoàn toàn nằm trong dự báo, kiểm soát của địa phương. Hiện chúng tôi đã yêu cầu Công an thị xã nắm bắt, xử lý nghiêm việc đưa thông tin sai sự thật khiến người dân hoang mang, lo lắng”.

Ứng phó với bão, tỉnh đã thiết lập Ban Chỉ huy tiền phương chỉ huy công tác phòng, chống lụt bão và TKCN tại hai huyện Sơn Động và Lục Ngạn. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh thường xuyên nắm bắt, thực tế kiểm tra, chỉ đạo sát sao, kịp thời tại cơ sở.

Thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công tỉnh Bắc Giang, Công an các huyện Yên Dũng, Tân Yên, Lạng Giang và TP Bắc Giang đang triệu tập những trường hợp đưa tin sai sự thật về vỡ đê ở Bắc Giang để xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.

Ông Lê Hồng Việt, Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông khuyến cáo, thông tin thất thiệt trên mạng xã hội nói chung và về phòng, chống lụt bão nói riêng gây ảnh hưởng xấu đến đời sống người dân. Thanh tra Sở đang rà soát, kiểm tra, xác minh khi có đầy đủ căn cứ sẽ xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định.

Trong khi cả tỉnh căng mình khắc phục hậu quả mưa lũ, mỗi người dân cần tỉnh táo, không chia sẻ những thông tin không rõ nguồn gốc. Đó cũng là một trong những hành động thiết thực góp phần chung tay khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định sản xuất và đời sống sau lũ đi qua.

Cùng chuyên mục

Bắt tạm giam Lê Thị Lại
Ngày 19/9, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận đã bắt tạm giam bà Lê Thị Lại (60 tuổi, ngụ xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bắt tạm giam Ngô Đức Giang
Công an Thủ Đức vừa khởi tố và bắt tạm giam Ngô Đức Giang, đối tượng đập kính xe, dùng mỏ lết đánh người sau vụ va chạm giao thông, khiến dư luận phẫn nộ.

Tin mới

Bắt tạm giam Lê Thị Lại
Ngày 19/9, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận đã bắt tạm giam bà Lê Thị Lại (60 tuổi, ngụ xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Từ 2025 các kỳ tuyển sinh riêng sẽ thay đổi thế nào?
Năm 2025 là năm đầu tiên tổ chức thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Kỳ thi sẽ gồm 04 môn. Trong đó, hai môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn; hai môn lựa chọn nằm trong các môn học sinh được học, gồm Hóa học, Vật lý, Sinh học, Ngữ văn, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ và Ngoại ngữ (Anh, Đức, Nga, Nhật, Pháp, Trung, Hàn). Đây là lần đầu tiên môn Tin học, Công nghệ (Công nghiệp, Nông nghiệp) trở thành môn thi tốt nghiệp.