Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ năm, 01/02/2024 14:00 (GMT+7)

Cảnh báo vi phạm của một số doanh nghiệp cung cấp trò chơi điện tử

Theo dõi GĐ&PL trên

Thanh tra Bộ TT&TT cho hay, thời gian qua, một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng vẫn còn một số vi phạm.

Cảnh báo vi phạm của một số doanh nghiệp cung cấp trò chơi điện tử
Ảnh minh họa.

Cụ thể, Thanh tra Bộ TT&TT cho biết, trong thời gian vừa qua, thông qua công tác thanh tra trong hoạt động cung cấp, sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng, Thanh tra Bộ TT&TT nhận thấy một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng vẫn còn những vi phạm chủ yếu sau: Không thực hiện quy định đối với việc hiển thị kết quả phân loại trò chơi điện tử theo độ tuổi (18+) đối với trò chơi điện tử G1; tự ý thay đổi tên trò chơi, cập nhật, nâng cấp phiên bản mới so với Quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản đã được cấp.

Việc các doanh nghiệp không thực hiện sửa đổi, bổ sung Quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản trò chơi điện tử G1; không phân loại trò chơi điện tử theo độ tuổi trong từng trò chơi của doanh nghiệp là hành vi vi phạm quy định tại Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27/01/2022 của Chính phủ.

Trong thời gian tới, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng cần chú ý thực hiện trách nhiệm của mình khi tham gia cung cấp dịch vụ như: Thực hiện việc hiển thị kết quả phân loại trò chơi điện tử theo độ tuổi (18+); thay đổi tên trò chơi điện tử, cập nhật, nâng cấp phiên bản mới có thay đổi, bổ sung nội dung, kịch bản trò chơi so với phiên bản đã được cấp Quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản phải thực hiện đúng quy định tại điểm c Khoản 2 Điều 31a và điểm a, b, khoản 1, Điều 32i, Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 được bổ sung tại Nghị định 27/2018/NĐ-CP ngày 01/3/2018.

Qua kết quả thanh, kiểm tra cho thấy một trong những nguyên nhân của các tồn tại nêu trên là do thời gian vừa qua, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 chủ yếu phát hành các sản phẩm trên nền tảng điện thoại thông minh (mobi game), vòng đời của các trò chơi hiện nay tương đối ngắn (một số trò chơi chỉ được cung cấp trong thời gian dưới 01 tháng là không còn người chơi).

Bên cạnh đó, hệ điều hành của các thiết bị điện thoại thông minh trên thị trường hiện nay thường xuyên được cập nhật, dẫn tới việc doanh nghiệp cũng phải thường xuyên cập nhật thêm phiên bản mới của phần mềm trò chơi cho phù hợp với phiên bản mới của hệ điều hành, từ đó dẫn đến việc không kịp thời thực hiện các quy định đối với việc chấp hành chế độ báo cáo việc cập nhật các nội dung thay đổi.

Để từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế, vi phạm trong thời gian tới, Thanh tra Bộ TT&TT đã kiến nghị Bộ TT&TT khi xây dựng các quy định về việc báo cáo cập nhật phiên bản nên quy định theo hướng để doanh nghiệp tổng hợp, báo cáo theo từng giai đoạn (theo quý, tháng) cho phù hợp với thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ.

Cùng chuyên mục

Cát Tường Group: Nợ thuế tăng mạnh, hàng tồn kho phình to
Tính đến thời điểm cuối năm 2022, nợ phải trả Cát Tường Group đạt 1.933 tỉ đồng, tăng thêm 679% so với hồi đầu năm. Đáng chú ý khi Cát tường Group đã phát sinh khoảng 1.436 tỉ đồng nợ vay tài chính, trong khi hồi đầu năm không ghi nhận.

Tin mới

Tổng Công ty Điện lực miền Bắc cảnh báo các cuộc gọi lừa đảo
Trong thời gian gần đây, Trung tâm Chăm sóc khách hàng Điện lực miền Bắc (Tổng Công ty Điện lực miền Bắc - EVNNPC) đã nhận được nhiều phản ánh về việc khách hàng nhận được cuộc gọi mạo danh là nhân viên điện lực cung cấp thông tin do điện lực tính sai hóa đơn tiền điện trong kỳ thay đổi Lịch ghi chỉ số về những ngày cuối tháng nên liên hệ để hoàn tiền % theo hóa đơn, hoặc trả tiền điện thừa cho khách hàng.